(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19.
- 26.04.2020 Vụ máy xét nghiệm Covid-19: Bộ Y tế yêu cầu các nơi báo cáo khẩn, kèm tài liệu photocopy đóng dấu sao y bản chính
- 26.04.2020 CDC Lào Cai mượn máy xét nghiệm của doanh nghiệp; ‘ông chủ’ công ty bán máy xét nghiệm Covid-19 cho nhiều tỉnh, thành là ai?
- 25.04.2020 Công ty cung cấp máy xét nghiệm Covid-19 giá 7,23 tỉ đồng cho Quảng Nam mua máy từ công ty khác bán lại
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm
Xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh…phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
"Đặc biệt là các các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao" - Thông báo dẫn lời của Thủ tướng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Một loạt cán bộ CDC Hà Nội bị khởi tố vì câu kết, nâng giá máy xét nghiệm
Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với: ông Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội); Bà Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội); Lê Xuân Tuấn (SN 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) cùng 5 đồng phạm khác.
Trước đó, C03 đã tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
"Loạn" giá máy xét nghiệm COVID-19
Sau khi Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt, nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam và Quảng Trị đều rà soát, báo cáo việc mua sắm thiết bị xét nghiệm.
Ngày 24/4, khi có dư luận về việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với giá 8,4 tỷ, cao hơn nhiều lần so với giá thực tế, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục trong công tác mua sắm thiết bị.
Hai ngày sau khi vụ việc tại CDC Hà Nội bị phanh phui, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Sở Y tế báo cáo việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với giá 7,5 tỷ đồng để trang bị cho CDC Quảng Nam.
Tại Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết địa phương đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1/4, mua qua hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thiết bị, đến ngày 15/4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị từ hơn 6 tỷ đồng xuống còn 5,8 tỉ đồng.
Trong ngày 26/4, lãnh đạo Sở Y tế 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho biết các địa phương này đều mua hệ thống máy xét nghiệm với mức giá chưa bằng 1/3 so với CDC Hà Nội.
Theo đó, mức giá mà tỉnh phê duyệt mua máy khoảng 3 tỷ đồng gồm, giá máy hơn 1,6 tỷ, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện khác.
Còn Sở Y tế Quảng Trị cho hay, họ mua máy xét nghiệm Realtime PCR và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ để xét nghiệm Covid-19.
Theo thẩm định, máy xét nghiệm Realtime PCR có giá 1,65 tỷ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ giá hơn 1 tỷ. Nhưng sau khi CDC Quảng Trị đàm phán, nhà cung cấp đã giảm giá các máy còn 1,5 tỷ và 650 triệu.
Bộ Y tế 2 lần yêu cầu báo cáo về hợp đồng mua máy xét nghiệm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 25/4 đã có văn bản gửi các bệnh viện, sở y tế, đơn vị trực thuộc, yêu cầu báo cáo toàn bộ các hợp đồng mua thiết bị xét nghiệm tự động Realtime PCR của hãng Quiagen, Đức.
Nội dung báo cáo bao gồm toàn bộ các hợp đồng mua thiết bị xét nghiệm từ 1/3/2018 đến 29/2/2020.
Đây là văn bản thứ hai liên quan đến nội dung này của Bộ Y tế, sau khi đã có hàng loạt trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành bị tố mua thiết bị xét nghiệm đội giá cao hơn nhiều lần so với giá thông thường.
Trước đó ngày 17/4, Bộ Y tế cũng có công văn số 2154/BYT-KH-TC yêu cầu báo cáo mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm nói chung và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 (virus gây bệnh COVID-19) nói riêng.