(Tổ Quốc) -Quốc hội đã dành cả ngày hôm nay (5/6) để thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”.
Không “đổ lỗi” cho văn bản quy phạm pháp luật
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Mở đầu buổi thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Theo ông Phan Xuân Dũng, “an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ”. Nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn. Vi phạm trong quá trình vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), là do nhân lực mỏng, chế tài xử phạt còn nhẹ, văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba bộ liên quan gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm về cơ bản khá đồng bộ, vấn đề ở đây là thực thi chưa hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, Nhà nước có “chiếc gậy răn đe nhưng lại xử phạt quá nhẹ”, thậm chí có những trường hợp chỉ xử phạt hành chính vài trăm nghìn đồng. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, nhân lực về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện quá mỏng.
“Chỉ có 350 cán bộ cấp tỉnh phụ trách công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi thủ đô Bangkok (Thái Lan) có 3.000 cán bộ”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiều người sản xuất vì lợi nhuận của mình đã cố tình làm trái quy định pháp luật, tuy nhiên mức phạt còn nhẹ, chưa đảm bảo răn đe, nhất là trong quy định hình sự "chết người chưa truy tố được"... Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở cũng còn nhiều bất cập,... đây là những vấn đề khó khăn trong thực tế và rất cần có cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm khắc phục những yếu kém trong thời gian tới.
Một số ĐBQH cũng cho rằng, để tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm “nhức nhối” như hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là chế tài còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo tổng kết, sau gần bảy năm thi hành Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, cả nước phát hiện hàng trăm nghìn vụ vi phạm nhưng chỉ có duy nhất một vụ bị xử lý hình sự, hay như vụ sản xuất rượu giả có methadol đến nay vẫn chưa có khung pháp lý để xử phạt…
“Tại cấp xã có tình trạng các hộ dân vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lại không bị xử lý các mối quan hệ bà con họ hàng . Nếu xử lý thì đi lại cũng khó nhìn mặt nhau”, ĐBQH Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) lấy ví dụ về việc thực thi chế tài chưa hiệu quả.
Cần đơn vị hoạt động động lập quản lý an toàn thực phẩm
Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mà nhiều ĐBQH đề ra tại các buổi thảo luận ngày hôm nay.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, cần một đơn vị hoạt động động lập quản lý về vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó, nhân sự bao gồm các chuyên viên đến từ ba bộ: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trách nhiệm của đơn vị này là nhằm để tham vấn cho Chính phủ các giải pháp tốt nhất.
Hiện để việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm do ba bộ nói trên quản lý là hết sức dàn trải. Thậm chí, một chiếc bánh trung thu cũng là do ba bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý lúa mì làm vỏ bánh, Bộ Công Thương quản lý các sản phẩm làm nhân bánh và Bộ Y tế quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm …
“Có nhiều loại thực phẩm mà không biết bên nào quản lý, ví dụ bún ăn thì có đến cả ba bộ: nguyên liệu làm bún do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản. Đưa lên sạp bán thì Bộ Công Thương lo. Nếu có chất cấm, chất độc lại là trách nhiệm của Bộ Y tế . Chúng ta không đủ giàu để lại cho con cháu vật chất, nhưng ta phải để lại cho con cháu môi trường an toàn và sức khỏe”, ĐBQH Trần Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) lo lắng phát biểu.
Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin đúng về an toàn thực phẩm. Để quản lý hiệu quả an toàn thực phẩm thì cả xã hội phải vào cuộc, nhất là phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở...
Phát biểu kết luận phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, tình trạng mất an toàn thực phẩm còn nhức nhối, gây hoang mang bức xúc cho dư luận...
“Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của cấp cơ sở”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhiều ĐBQH cùng chung nhận định, vi phạm về an toàn thực phẩm là một tội ác, cần xử lý nghiêm minh... . Các ĐB đề nghị cần sửa đổi quy định hình sự về lĩnh vực này, đồng thời cần ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội để quản lý tốt vấn đề này trong thời gian tới./.
Hà Giang