(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng việc nhiều người dân không muốn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, 4 có thể khiến dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế đến ngày 17/6/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 64,5% và 11,5%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100% và 97,7%; trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 43,3% và 7%.
Tại cuộc họp trực tuyến với 20 địa phương phía Nam vừa diễn ra cuối tháng 5, Bộ Y tế cho biết đến nay còn 12 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 thấp (dưới 50%), gồm: Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Đến ngày 23/6, theo Bộ Y tế, vẫn còn trên 20 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer chưa cấp phát cho các tỉnh thành.
Hiện nay, TP HCM triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, theo ghi nhận, công tác tiêm mũi 3, 4 ở thành phố đang chậm. Tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, người dân cơ bản đã tiêm đủ 2 - 3 mũi và nhiều người đã mắc bệnh nên có tâm lý không còn hào hứng với việc tiêm mũi 4. Không riêng TP HCM, các tỉnh thành khác cũng trong trường hợp tương tự, dẫn đến việc vaccine vẫn còn nhiều.
Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, lợi ích của tiêm phòng vaccine đã được minh chứng qua tình hình tại Việt Nam từ tháng 6 năm 2021.
Việc tiêm phòng vaccine nhanh chóng và bao phủ gần 100% ở người trên 18 tuổi đã giúp dịch bệnh được khống chế trong vài tháng gần đây, giúp cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Nhưng hiệu lực của vaccine sẽ giảm tương đối nhanh sau 6 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3 (và mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế) để đề phòng một làn sóng dịch mới, đặc biệt là một biến chủng mới xuất hiện.
Ảnh minh họa
Vì sao cần tiêm mũi 3, mũi 4?
Thứ nhất, các chứng cứ y học hiện tại cho thấy liều thứ 3 không làm tăng nguy cơ tai biến của vaccine. Các triệu chứng phụ nhỏ hơn nhiều so với lợi ích.
Thứ hai, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, biến chủng Delta gây bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn, biến chủng Omicron lây lan mạnh hơn. Mũi tăng cường thứ ba có khả năng đạt hiệu quả 70-90% trong việc giảm lây lan, 80-97% ngăn bệnh diễn tiến nặng ở những người nhiễm biến thể Delta và Omicron.
Thứ ba, kháng thể chống SARS-CoV-2 bị giảm nhanh sau 6 tháng trong tất cả các độ tuổi và tăng mạnh trở lại khi được tiêm liều thứ 3, điều này cho thấy việc tiêm liều thứ 3 rất cần thiết cho mọi đối tượng.
Thứ tư, không ai có thể xác định được virus SARS-CoV-2 tiến hóa tới biến chủng nguy hiểm như thế nào, những chứng cứ cho thấy 3-4 liều vaccine có hiệu quả trong khi 2 liều thì hiệu quả rất kém, điều đó cho thấy việc cần tiêm chủng ít nhất 3 liều cho toàn bộ người dân để phòng bệnh trong tương lai. Việc phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh.
Những ai cần thiết phải tiêm vaccine liều thứ 4?
Nghiên cứu được tiến hành ở Israel và các nơi khác cũng chỉ ra rằng mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ tư có hiệu quả đối với những người từ 60 tuổi trở lên, nhưng ít hiệu quả hơn đối với những người trẻ tuổi. Cho đến liều thứ ba, các mũi tiêm vaccine chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa lây nhiễm và giảm độ nặng của bênh. Dựa trên dữ liệu mới nhất vừa công bố trên tạp san nổi tiếng JAMA internal medicine vào ngày 23/6 2022, liều vaccine thứ 4 làm giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ nhập viện vì bệnh nhẹ hay bệnh nặng từ 2-3 lần so với 3 liều vaccine.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định chuyển sang chính sách tiêm mũi thứ tư vaccine COVID trên toàn quốc vào ngày 25/5 cho những người từ 60 tuổi trở lên và những người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng, chẳng hạn như những người có tình trạng bệnh từ trước.
Chuyên gia phân tích tiêm mũi 3,4 rất cần thiết. Ảnh minh họa.
Khi nào thì có thể tiêm mũi 4: theo quy định của Bộ Y Tế và nhiều nước thì ít nhất là 4 tháng sau mũi thứ 3.
So sánh tỉ lệ bệnh nhân nhiễm bệnh bị nhập viện và tử vong giữa 2 nhóm tiêm 3 và 4 liều vaccine.
Được biết Israel và Nhật chỉ tiêm vaccine Pfizer và Moderna, là 2 loại vaccine hiệu quả nhất hiện nay. Do đó, ngoài việc tiêm mũi thứ tư cho người lớn tuổi hay người trẻ tuổi mắc bệnh nền, tôi khuyến nghị tại Việt Nam việc tiêm mũi thứ tư cũng nên được áp dụng cho những người đã tiêm 2 mũi đầu tiên không phải của Pfizer và Moderna nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Kết luận
Dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp với những biến thể mới. Y học đã chứng minh 2 liều vaccine là không đủ để chống lại việc lây lan, giảm độ nặng của bệnh sau 6 tháng, đặc biệt là với các biến thể mới.
Do đó, việc yêu cầu người dân tiêm ít nhất 3 liều vaccine là hợp lý. Ngoài ra việc tiêm mũi thứ tư cần được thực hiện cho người lớn tuổi hay người trẻ tuổi mắc bệnh nền, và những người đã tiêm 2 mũi đầu tiên không phải của Pfizer và Moderna.
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)
Mới đây, Bộ Y tế vừa có văn bản mới nhất hướng dẫn về đối tượng tiêm, liều lượng tiêm, các mũi tiêm nhắc lại và loại vắc-xin Covid-19 cho người từ 5 tuổi trở lên.
Riêng với mũi 4, Bộ Y tế ghi rõ đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Loại vắc-xin để tiêm mũi 4 là vắc-xin mRNA (vắc-xin Pfizer hoặc Moderna); vắc-xin AstraZeneca; vắc-xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Khoảng cách tiêm là ít nhất 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 thì có thể tiêm mũi 4 sau khi mắc Covid-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.
Tài liệu tham khảo:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35472300/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35739059/