(Tổ Quốc) - Với những ý nghĩa và giá trị văn hóa tốt đẹp Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, Hải Phòng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, do sự quản lý chưa hiệu quả của địa phương mà trong những năm gần đây, dư luận bắt đầu lên tiếng về sự biến tướng của lễ hội. Để quản lý và thực hành lễ hội này tốt hơn, một trong những việc cần làm là nhận diện giá trị thực sự của lễ hội chọi trâu truyền thống.
Giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội chọi trâu
Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, gắn với “tục chọi trâu để tế thủy thần” của cư dân vùng biển, một trong những nghi lễ phổ biến từ thời Lý mà năm Mậu Tý 1048 Lý Thái Tông ban hành "Chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân" (theo sách Đại Nam nhất thống chí). Cho đến nay, lễ hội này vẫn đã và đang được coi là tài nguyên du lịch đặc sắc, thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra những biến đổi của Lễ hội chọi trâu hiện nay tại Tọa đàm do Bộ VHTTDL vừa tổ chức (ảnh Hồng Hà) |
Một trong những đặc trưng cơ bản của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với những yếu tố văn hoá của cư dân ven biển, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, loài động vật hết sức thân thuộc với nông dân. Những hình tượng truyền thuyết hóa về đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng tạo sự liên tưởng với mặt trăng và thủy triều, là hiện tượng đặc thù tự nhiên của biển, sừng trâu cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển vẫn tôn thờ.
Từ hàng trăm năm trước, theo lệ những trâu thắng chọi được cộng đồng sử dụng làm vật hiến sinh để cầu mong Thủy thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng.
ThS. Nguyễn Mạnh Cường, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bổ sung: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là nghi lễ tín ngưỡng dân gian gắn liền với đời sống lao động sản xuất của cư dân ven biển. Theo khảo cứu, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nhiều phiên bản mang những nội dung và màu sắc khác nhau. Thần tích Tước Điểm Đại Vương trong sách Đồng Khánh địa dư chí lược (biên soạn vào triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19) có ghi lại rằng một số người dân từng đi qua đền thờ Tước Điểm Đại Vương thường gặp hai con trâu húc nhau. Thấy động chúng bỏ chạy xuống biển. Từ đó, người dân địa phương mở hội chọi trâu vào mùng 9/8 (âm lịch) hàng năm, ngày hội này thường có mưa to gió lớn và là thời điểm thủy thần Đồ Sơn hiển linh.
Truyền thuyết khác kể rằng, xưa kia ở vùng biển Đồ Sơn thường bị thủy quái quấy nhiễu, để được yên ổn làm ắn, dân làng đã lập đàn cúng thần làng giúp đỡ. Ngày hôm sau thủy quái đầu rồng, mình trâu bị chết nổi lên, xác trôi tận vào bãi biển nơi mỏm Nghè, dưới chân núi Ngọc. Nhân dân bèn lập đền thờ thần linh và tổ chức nghi lễ. Sau 5 đêm, 7 ngày trên mâm bột lễ xuất hiện một nốt chân chim. Từ đó, thần Điểm Tước được suy tôn làm thành hoàng của tổng Đồ Sơn. Tương truyền, trong ngày lễ thần Điểm Tước, trên bãi biển trước cửa đền Nghè xuất hiện hình ảnh đôi trâu chọi nhau. Bởi vậy, vào ngày 15/5 âm lịch (ngày thủy quái bị diệt trừ) người dân lại tổ chức chọi trâu trước cửa đền Nghè để làm lễ tế thần linh. Truyền thuyết vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành về qua Đồ Sơn thấy dân có tục chọi trâu, liền lệnh cho mở hội. Hoặc giai thoại về đội quân của Nguyễn Hữu Cầu chống giặc Trịnh, khi dừng chân tại Đồ Sơn nhìn thấy hai con trâu chọi nhau rất quyết liệt, ông đã cho tổ chức thành hội chọi trâu để luyện quân và khích lệ lòng tướng sỹ.
“Nhìn chung, các truyền thuyết trên không có nhiều giá trị trong việc xác định mốc thời gian sự ra đời của di sản. Tuy nhiên, với bề dày của các truyền thuyết cùng việc ghi chép trong sách Đồng Khánh địa dư chí lược cho phép khẳng định lễ hội chọi trâu đã tồn tại hàng trăm năm”- ThS. Nguyễn Mạnh Cường nhận định .
Sự biến đổi của chọi trâu hiện nay
Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, từ năm 1990 đến nay, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục và đều đặn tổ chức, đã và đang trở thành một hoạt động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trung tâm du lịch - nghỉ mát Đồ Sơn nổi tiếng.
PGS.TS Trương Quốc Bình cho biết: “Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho đến những năm cuối của thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn dù rằng cũng đã có đôi lần được “ làm thử” vào năm 1960 và 1973. Lần đầu được tổ chức vào ngày 4 Tết nguyên đán, còn lần sau thì làm đúng vào ngày lễ truyền thống 9/8 âm lịch. Tuy nhiên, do nhiều trâu phải nghỉ cày bừa trong quá trình chuẩn bị , làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nên lãnh đạo Thành phố Hải Phòng không cho phép tổ chức. Từ năm 1990, trong bối cảnh đổi mới chung về kinh tế xã hội của cả nước, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chính thức được khôi phục và diễn ra thường xuyên từ đó cho đến nay.
Lễ hội chọi trâu hiện nay đang có nhiều biến đổi (ảnh minh họa báo Kinh tế đô thị) |
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trước kia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ với sự tham gia của các xã Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức với qui mô lớn hơn mang tầm quốc gia. Ngoài sự tham gia của các phường Vạn Sơn, Ngọc Xuyên, Minh Đức, Hợp Đức, Vạn Hương, Bàng La, Ngọc Hải, phải kể đến những đóng không nhỏ của tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày một phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương cùng tham gia, thưởng thức tục chọi trâu truyền thống.
TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Lễ hội chọi trâu đã và đang ngày càng nổi tiếng, thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Bà Từ Thị Loan cũng cho biết: “Theo dòng thời gian, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có nhiều thay đổi về chức năng, quy mô, hình thức tổ chức. Một số yếu tố bị lược bỏ, nhiều yếu tố mới được
tạo thêm với mục tiêu phát triển du lịch, khai thác khía cạnh kinh tế của lễ hội. Về chức năng, từ một lễ hội truyền thống đề cao yếu tố tâm linh với mục đích chủ yếu là thờ cúng thần thánh, nay lễ hội đã có phần thiên về yếu tố thi đấu, đối chọi, tranh tài thể hiện ở ngay tên gọi: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Phần lễ bị phần hội lấn át, những giá trị tín ngưỡng, tâm linh ít được người tham dự quan tâm, họ chủ yếu tập trung tại sân vận động để xem “chọi trâu”.
Về quy mô, không gian tổ chức lễ hội ngày nay được mở rộng hơn nhiều. Nó không còn là lễ hội của các cộng đồng làng nữa, mà đã có sự vào cuộc của nhiều lực lượng tham gia. Việc chọi trâu ngày xưa được thực hiện ở các bãi cát ven biển, hay bãi đất trước đình, cũng là để thần linh chứng giám, thì bây giờ được đưa vào sân vận động để chứa đựng được số người ngày càng đông.
Về thành phần tham gia, trước kia là các giáp và các dòng họ, nay quận thành lập ban tổ chức lễ hội chọi trâu và giao nhiệm vụ cho các phường. Một số cá nhân có điều kiện kinh tế cũng đăng ký tham gia. Trước đây chỉ có 4 phường Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Vạn Hương, Vạn Sơn, nay thêm các phường Bàng La, Hợp Đức, Minh Đức cùng tham gia, tuy nhiên một số người không tâm huyết nên đã xảy ra tình trạng bán suất trâu.
Về thời gian tổ chức lễ hội giờ đây rút ngắn chỉ còn 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10/8.
Về quy trình tổ chức chọi trâu, việc chia ra thành 2 vòng đấu loại và chung kết là những sáng tạo mới. Từ khi hội chọi trâu được khôi phục đến nay số lượng trâu tham gia ngày càng tăng, năm 1990 còn là con số 12 trâu như truyền thống, năm 2000 tăng lên 24 trâu, rồi đến 32 trâu như hiện nay. Trâu chọi truyền thống có 2 sừng cân tựa mặt trăng, chứ không dài và gọt nhọn như sừng trâu hiện nay. Các hoạt động mang tính nghi lễ trong quá trình chọi trâu được rút ngắn lại, trước đây múa cờ và phát loa được thực hiện tất cả các kháp đấu, nay chỉ được thực hiện ở kháp đấu mở màn. Trâu tham gia thi đấu dù thắng hay thua đều bị đem ra xẻ thịt và bán với giá cao gấp nhiều lần so với bình thường.
“Mọi hoạt động dường như chỉ tập trung vào sự kiện chọi trâu, các hoạt động khác gắn kết cộng đồng với thần linh mờ nhạt dần. Tính cộng đồng, tính tâm linh, ý nghĩa tế thần của lễ hội giảm đi khá nhiều”- TS Từ Thị Loan nhận định.
Do vậy, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, lễ hội chọi trâu được tổ chức như hiện nay đang bị sai lệch so với hồ sơ di sản đã đăng ký và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc lễ hội này tiếp tục được tổ chức sau sự cố chết người ngày 1/7 vừa qua đòi hỏi các cơ quan quản lý phải thay đổi cách thức thực hành di sản văn hóa này./.