(Tổ Quốc) - Một truyền thống sắp lùi vào dĩ vãng, đó là mua cầu thủ toả sáng ở World Cup, Euro.
Trong suốt nhiều thập kỷ, chiêu mộ cầu thủ chơi xuất sắc ở World Cup và Euro trở thành một trào lưu. Ký hợp đồng với "ngôi sao World Cup" hẳn sẽ khiến cổ động viên và giới truyền thông thích thú. Nhưng thông thường các đội bóng sẽ phải hối hận sâu sắc.
Ví dụ như vụ Arsenal mua tiền vệ người Đan Mạch John Jensen vào tháng 7 năm 1992. Một tháng trước, anh ta ghi siêu phẩm sút xa giúp Đan Mạch đánh bại Đức trong trận chung kết Euro. Huấn luyện viên lúc đó của Arsenal, ông George Graham, nói với giới truyền thông rằng Jensen là một tiền vệ ghi bàn cừ khôi.
Nhưng hóa ra ghi bàn lại là phẩm chất Jensen không có. Bàn thắng vào lưới tuyển Đức là ngoại lệ duy nhất. Jensen trải qua nhiều năm không ghi bàn cho Arsenal. Thất bại của cầu thủ Đan Mạch biến anh ta trở thành trò cười: bất cứ khi nào Jensen có bóng, kể cả trong vòng cấm đội nhà, đám đông ở sân Highbury sẽ hét lên, "Sút đi!".
Vào thời điểm Jensen rời Arsenal năm 1996, anh ta mới ghi được 1 bàn. Người hâm mộ Arsenal in áo phông có dòng chữ: "Tôi đã chứng kiến John Jensen ghi bàn”.
HLV Graham ngoại suy một cách sai lầm từ bàn thắng nổi tiếng vào lưới Đức. Toả sáng ở giải đấu kéo dài 1 tháng đôi khi chỉ là sự xuất thần về khoảnh khắc, nhưng vì cảm thấy giải đấu rất quan trọng nên các câu lạc bộ có xu hướng chú trọng quá nhiều vào nó.
Thời điểm tồi tệ nhất để mua cầu thủ là ngay sau khi anh ta thi đấu tốt ở một giải đấu lớn. Tất cả câu lạc bộ trên thế giới đã thấy anh ta giỏi như thế nào, vì vậy anh ta sẽ được định giá quá cao, nhưng cũng kiệt sức và rất có thể đã hài lòng với thành công ngắn hạn.
Ngay cả Sir Alex Ferguson cũng rơi vào bẫy. Kleberson là một bài học đắt giá khiến Sir Alex sau này không còn chiêu mộ cầu thủ tỏa sáng ở World Cup, Euro nữa. Nhà cầm quân huyền thoại còn viết trong cuốn tự truyện: "Tôi luôn cảnh giác với việc mua cầu thủ sau màn trình diễn tốt ở giải đấu ngắn ngày. Tôi đã làm điều đó tại Euro 1996, giải đấu thôi thúc tôi chiêu mộ Jordi Cruyff và Karel Poborsky. Cả hai đều có thành tích xuất sắc tại Euro nhưng không bao giờ cống hiến cho câu lạc bộ được như vậy".
Sir Alex chỉ ra vấn đề lớn nhất trong những thất bại kiểu này: “Đôi khi các cầu thủ tự tạo động lực rất lớn để chuẩn bị cho World Cup và Euro nhưng sau đó có thể chững lại”.
World Cup có thể bộc lộ khả năng thực sự của cầu thủ. Nhưng thực tế đó không thú vị lắm. Yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một cầu thủ là hiệu suất trung bình của anh ta, duy trì tuần này qua tuần khác. Một giải đấu ngắn ngủi không cho thấy điều đó. Năm 2010, sau kỳ World Cup thành công của Asamoah Gyan với Ghana, Sunderland đã trả số tiền kỷ lục của câu lạc bộ là 13 triệu bảng để có anh. Một năm sau, họ để Gyan đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Gyan là một trong những cầu thủ, giống như Lucas Podolski hay James Rodriguez, chơi cho đội tuyển quốc gia tốt hơn cho câu lạc bộ.
Cách đây 8 năm, việc mua sắm dựa vào phong độ World Cup vẫn là hiện tượng phổ biến. Bước vào World Cup tại Brazil, không ai muốn sở hữu người nhện Guillermo Ochoa. Anh vừa kết thúc giải vô địch quốc gia Pháp cùng câu lạc bộ Ajaccio ở vị trí bét bảng. Sau đó, Ochoa đã chơi không tốt trong các trận khởi động trước World Cup. Trong một cuộc thăm dò trên báo chí Mexico, những người được hỏi đều muốn Jesus Corona bắt thay Ochoa.
Nhưng Ochoa đã bắt chính và có 4 trận xuất sắc. Anh kiếm được hợp đồng béo bở với Malaga, để rồi Ochoa gần như không được ra sân trong 2 năm. Sau đó được cho Granada mượn, thủ môn sinh năm 1985 lập kỷ lục ở giải hạng nhất Tây Ban Nha khi để thủng lưới 82 bàn và lại bị xuống hạng.
Tất nhiên, việc mua một cầu thủ sau World Cup có thể hợp lý nếu màn trình diễn dài hạn của anh ấy chứng minh điều đó. Thủ môn Keylor Navas có tỷ lệ cản phá thành công cao nhất tại giải đấu trên đất Brazil. Tuy nhiên, có lẽ Real bị thuyết phục vì màn trình diễn bền bỉ của Navas với Levante bé nhỏ trong mùa giải trước đó, khi anh có tỷ lệ số cú sút trên số pha cứu thua tốt thứ ba trong năm giải đấu lớn nhất châu Âu.
Những vụ chuyển nhượng thông minh nhất là khi một câu lạc bộ cố gắng làm ngược lại với số đông: Mua cầu thủ sau khi giải đấu làm giảm giá của anh ta. Sau World Cup 2014, Barcelona trả cho Liverpool khoản phí 65 triệu bảng để mua Luis Suarez, người bị treo giò dài hạn vì cắn Chiellini. Barca hồi đó suy nghĩ giống như nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett: Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi.
Chuyển nhượng hậu World Cup, Euro đang thoái trào vì bộ phận tuyển trạch viên của các câu lạc bộ lớn ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các tuyển trạch viên theo dõi liên tục nhiều giải đấu, họ còn sở hữu chương trình phần mềm thu thập dữ liệu cầu thủ mới mỗi ngày.
Tay cò bóng đá Argentina, Horacio Patanian giải thích rằng các câu lạc bộ "biết trước tất cả thông tin về cầu thủ và khả năng, kỹ năng, điểm yếu, giá cả trên thị trường, tình trạng hợp đồng của họ”.
Một số vụ chuyển nhượng vẫn sẽ không thành công, nhưng rủi ro hiện đã thấp hơn. Các câu lạc bộ gần như không còn ký hợp đồng với cầu thủ dựa trên giải đấu ngắn ngày, cũng rất hiếm khi chiêu mộ cầu thủ mà họ tình cờ để ý sau khi anh ta có một trận đấu hay chống lại chính họ.
Vẫn còn những người thích mạo hiểm. Ông chủ 20 tuổi giàu có của một câu lạc bộ hạng dưới, đang xem một trận đấu World Cup từ khu VIP, đã chỉ vào một cầu thủ và nói: "Tôi muốn ký hợp đồng với anh ta."
Cố vấn trả lời: "Không được đâu, anh ta đang nói chuyện với Juventus”.
Đó là vấn đề: Nếu bạn phát hiện ra một cầu thủ tại World Cup, bạn đã chậm chân. Một cách từ từ, bóng đá đang trở nên hợp lý hơn.