• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao Việt Nam vắng bóng trong bảng xếp hạng Đại học châu Á 2019?

Giáo dục 08/05/2019 11:12

Trong bảng xếp hạng 417 đại học châu Á 2019 của tạp chí Times Higher Education (THE, Anh) vừa công bố, tiếp tục không có bóng dáng một trường nào của Việt Nam.

THE khó đến đâu?

Theo công bố của THE, Trung Quốc là nơi có trường đại học tốt nhất lục địa khi lần đầu tiên Đại học Thanh Hoa vượt qua Đại học Quốc gia Singapore đứng vị trí số 1 châu Á. Nhật Bản một lần nữa là quốc gia có nhiều các trường đại học nhất trong danh sách này với 103 trường.

Trong khi đó, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông lần đầu tiên dẫn đầu Khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, thay thế đại học Hồng Kông.

Theo TS. Lê Văn Út, Thành viên Hội đồng trường, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng, THE là một trong 3 tổ chức xếp hạng đại học uy tín của thế giới hiện nay (ARWU - bảng xếp hạng của ĐH Thượng Hải, Leiden - bảng xếp hạng của Hà Lan và THE) bởi tính khách quan và khoa học. Việc chưa có đại học nào của Việt Nam được xếp hạng bởi THE cũng hết sức tự nhiên.

THE dựa vào 3 tiêu chí chính để đánh giá xếp hạng một đại học: đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao. Họ vẫn có sử dụng khảo sát nhưng tỷ trọng không nhiều (25% đối với xếp hạng Châu Á, và 33% đối với xếp hạng thế giới; trong khi bảng xếp hạng QS (Anh quốc) mà các trường đại học Việt Nam đang tham gia thì 50% - gần như quyết định) và cách họ làm thì khách quan (các đại học không tiếp cập được những người được mời khảo sát và họ không chấp nhận đề cử người tham gia khảo sát từ các ĐH như QS).

Trong đánh giá nghiên cứu, THE có dùng một tiêu chí con nhưng lại góp phần loại thẳng thừng hàng loạt đại học, đó là những đại học muốn được THE xem xét thì phải có ít nhất 750 công trình Scopus trong vòng 5 năm cuối và mỗi năm phải có ít nhất 150 công trình Scopus.

Vì sao Việt Nam vắng bóng trong bảng xếp hạng Đại học châu Á 2019? - Ảnh 1.

Lọt top của THE vẫn là giấc mơ của ĐH Việt Nam. (Ảnh: Tienphong)

3 điểm yếu cần khắc phục

PGS.TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết muốn xếp hạng được thì phải có dữ liệu.

Ở lần xếp hạng đại học châu Á vừa rồi của THE, gần như các trường của Việt Nam chưa gửi dữ liệu cho THE nên chưa xếp hạng. Một phần vì THE mới vào Việt Nam và tiêu chí của THE khá thách thức với nhiều trường của Việt Nam.

Thách thức đối với các trường ĐH Việt Nam mà THE đưa ra theo ông Huy là thu nhập của trường đại học thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp. Vấn đề này các trường Việt Nam chưa làm được. Ở các trường công, nguồn vốn vẫn là của nhà nước. Vai trò của các GS, PGS thu hút đầu tư của doanh nghiệp về các trường cũng rất thấp.

Thứ hai là hợp tác quốc tế mới chỉ dừng ở mức ký các biên bản thỏa thuận ở mức sơ bộ, chưa triển khai được ở mức sâu hơn. Việc thu hút sinh viên quốc tế cũng rất khó khăn. Thứ ba là công bố quốc tế cũng rất thấp.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Hiệp khẳng định việc lọt top 400 châu Á của bảng xếp hạng THE không dễ. Lộ trình phải tính 5 năm - 10 năm. Nên không thể nói là một năm hay hai năm là có thể vào được.

Các bảng xếp hạng đều có các chỉ số liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xã hội nhưng mỗi bảng xếp hạng đều có những quy định chi tiết với từng chỉ số riêng biệt. Những chỉ số này có thể dễ cho trường đại học nước này nhưng lại khó cho trường đại học của nước khác.

Dường như, bảng xếp hạng của THE khó hơn đối với Việt Nam. Các trường đại học Việt Nam mới đầu giai đoạn hội nhập nên các chỉ số chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức xếp hạng. Hơn nữa, các trường không có nguồn lực để đầu tư hơn.

"Quan sát của tôi thì với đại học từ các nước đang phát triển như Việt Nam, 2 mảng chỉ số yếu thường thấy đó là Quốc tế hóa và Nghiên cứu khoa học. Hai mảng yếu này không dễ để khắc phục.

TS. Hiệp cũng cho hay mấy năm gần đây, năng suất nghiên cứu khoa học của Việt Nam nói chung và hai Đại học quốc gia nâng lên khá nhiều. Nhưng so với thế giới, sản lượng của hai đại học này chỉ ở cấp khoa, hay cấp viện của trường ĐH. Đó là chưa kể chất lượng.

Vì vậy, các trường đại học cần hết sức cân nhắc để lựa chọn bảng xếp hạng phù hợp. Việc tham gia xếp hạng tiêu tốn một nguồn lực rất lớn, không phải trường nào của Việt Nam cũng đủ nguồn lực để làm việc này. Hơn thế nữa, việc trường không vào được top là câu hỏi không chỉ dành cho các trường mà còn dành cho chính phủ. Mỗi trường có thể nỗ lực nhưng chỉ được một mức độ nhất định. Còn lại phải là công việc của chính phủ.

"Tôi nhận thấy, ở tất cả các nước đang phát triển, muốn trường đại học được lọt top, đều phải do nỗ lực nguồn lực của chính phủ. Việt Nam hiện nay quá nhiều trường công, các trường đều tự loay hoay làm; các nỗ lực chương trình cấp quốc gia về nâng cao chất lượng đại hịc thì cũng có nhưng lại có quá nhiều (như đại học xuất sắc, đại học vùng, đại họcquốc gia….) và không có dự án nào được đầu tư ra tấm ra món", ông Hiệp nói.

Ở khu vực Đông Nam Á (không tính Singapore), Thái Lan là nước có nhiều trường lọt danh sách nhất với 14 trường (tăng 4 trường). Malaysia đứng thứ 2 với 11 trường (tăng 2 trường) nằm trong top này. Trong đó, lần đầu tiên ĐH Malaya xuất hiện trong top 40, ở vị trí 38, vượt 8 bậc so với năm 2018. Indonesia có 5 trường nằm trong danh sách thì có trường ĐH Indonesia xếp thứ 133, năm 2018 trường này đứng ở top 201- 250. Philippines có 2 trường lọt top. Trong đó, ĐH Philippines tăng 65 bậc so với năm 2018, vào top 95.

Theo: VTC.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ