(Tổ Quốc) - Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến tới Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân và sơ kết 6 tháng thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm nay (9/9).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD) và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Toàn lực lượng Công an từ Trung ương đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn đảm bảo tiến độ, lộ trình trong việc triển khai, thực hiện hai dự án.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, Bộ Công an đã hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc triển khai thực hiện hai dự án, đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể sửa đổi từng văn bản (gồm 1 Luật, 1 Nghị định, 5 Thông tư thuộc trách nhiệm của Bộ Công an). Chủ động nghiên cứu, chuẩn bị trước nhiều nội dung liên quan đến hai dự án, xác định tư duy chỉ đạo lồng ghép hai dự án ngay từ đầu để đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CCCD, là cơ sở để lực lượng Công an khẩn trương triển khai thực hiện song song cùng với dự án CSDLQGDC.
Điểm nổi bật của dự án CCCD là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay, dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc; sử dụng thẻ chíp điện tử đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. CCCD mới được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.
Về dự án CSDLQGDC, đến nay đã được đẩy nhanh tiến độ thu thập, cập nhật bảo đảm thông tin dân cư được chính xác. Toàn lực lượng đã thu thập được trên 90% phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01) và cập nhật được gần 7 triệu phiếu cập nhật thông tin dân cư (DC02).
Hiện nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tháng 2/2021, Bộ Công an sẽ báo cáo kết quả với Chính phủ, bấm nút khởi động hai hệ thống và vận hành thử nghiệm; tháng 7/2021 sẽ đi vào hoạt động chính thức.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an: "Đây là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân".
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu thời gian tới, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, với vai trò là cơ quan Thường trực của hai dự án, chịu trách nhiệm thực hiện toàn diện các nội dung trong xây dựng, triển khai, thực hiện dự án; duy trì giao ban trực tuyến thường xuyên với địa phương để kiểm tra tiến độ, đôn đốc chỉ đạo quyết liệt các nội dung công việc được giao, kịp thời tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Đặc biệt, dữ liệu thông tin dân cư phải được thu thập, bổ sung, cập nhật thường xuyên để đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư "đúng, đủ, sạch, sống".
Tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức, hướng tới từng nhóm người, vùng miền cụ thể và chủ động giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân, dư luận có liên quan đến việc thu thập thông tin dân cư, cấp số định danh cá nhân, cấp thẻ CCCD có gắn chip điện tử.
Công an các đơn vị, địa phương phải xác định việc cấp khoảng 50 triệu thẻ CCCD là một "chiến dịch" trên phạm vi toàn quốc và phải hoàn thành trước 1/7/2021. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện và nghiên cứu những cách làm hiệu quả theo từng vùng miền để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra./.