(Tổ Quốc) - Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết quan điểm của Bộ về việc bức ảnh chụp một học sinh lẻ loi giữa rừng giấy khen tại một lớp học cấp tiểu học đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội.
- 10.07.2020 Thêm quan điểm về bức ảnh cậu bé không được giấy khen: Đừng mặc định trẻ học kém lớn lên sẽ lãnh đạo "bọn học giỏi", ít lắm!
- 10.07.2020 Được học sinh giỏi, đứng đầu lớp, nam sinh mang giấy khen đi chụp ảnh với cả thế giới, đến người đi đường cũng không tha
- 10.07.2020 Bức ảnh "bạn có tình yêu, tôi có giấy khen" siêu cà khịa, điều đáng nói ai cũng phải liên tưởng đến một trường hợp đối nghịch khác
- 10.07.2020 Hình ảnh gây tranh cãi nhất năm: Học sinh lạc lõng trong lớp vì không được giấy khen và tâm thư của một thầy giáo
- 07.07.2020 Lần đầu được danh hiệu tiên tiến, nam sinh mang giấy khen đi check-in khắp nơi, đến cả chuồng chó chuồng lợn cũng không tha
Hai hôm nay một bức ảnh chụp cả lớp cuối năm học giơ giấy khen, riêng một học sinh không có giấy khen được chia sẻ trên mạng xã hội và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là kết quả của việc chạy theo thành tích trong giáo dục những năm qua.
Trao đổi với báo chí về việc này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, trong đó có bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, được xã hội đồng thuận và dần đi vào thực chất.
Cụ thể, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi thông tư 30 của Bộ GDĐT đã quy định rõ: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
Theo ông Thái Văn Tài, về hình thức, không cứ phải khen bằng giấy khen mà còn có nhiều cách khác, như: khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp... Vì vậy, việc lạm dụng giấy khen, hay khen không đúng thực tế đã được Bộ GDĐT quan tâm chỉ đạo để có những điều chỉnh. "Thời gian gần đây, những vấn đề này đã được khắc phục khá tốt và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận", ông Tài nhìn nhận.
Như vậy, về bức ảnh không rõ nguồn gốc về một học sinh không được nhận giấy khen, trong khi cả lớp được nhận giấy khen đang lan truyền trên mạng xã hội, ông Thái Văn Tài khẳng định: "Bức ảnh nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GDĐT trong đánh giá học sinh, đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu phê bình, nhắc nhở cũng không phê bình trước lớp mà cần gặp riêng, vì độ tuổi này vô cùng nhạy cảm. Điều này thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên".
Trong bối cảnh ngành Giáo dục đang chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông Thái Văn Tài, cách tiếp cận đánh giá học sinh như thời gian qua đang làm sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Hiện, Bộ GDĐT đã dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học; hình thức khen thưởng trong dự thảo Thông tư này đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.
"Như vậy, việc khen không đúng thực chất, khen không đúng bản chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục cần được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới", Vụ trưởng nhấn mạnh.