(Tổ Quốc) - "Việc tử tế tháng 8: Sống với đam mê" sẽ phát sóng lúc 20h10 ngày 10/08/2024 trên VTV1 và ứng dụng VTVGo sẽ kể cho bạn nghe về câu chuyện truyền cảm hứng của những người luôn sống với đam mê.
- 15.02.2024 Chuyến xe đặc biệt của 50 nhân vật Việc tử tế về tụ hội tại Hà Nội
- 30.01.2024 Lan tỏa thông điệp Ai cũng có thể làm việc tử tế
- 13.01.2024 Xúc động với hành trình tìm lại đôi chân cho cậu bé người Nùng trong Việc tử tế tháng 1
- 25.08.2023 Thu gom vỏ hộp sữa cùng TH true MILK - việc tử tế lan tỏa lối sống xanh
- 09.01.2023 Gala Việc tử tế Tết năm 2023: Lan tỏa những hành động tử tế
Chàng trai dành cả thanh xuân để hiến máu cứu người
Đều đặn hàng tháng, chàng trai Nguyễn Văn Thanh (Mê Linh, Hà Nội) lại chạy xe máy hơn 30 km để có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương, xong việc là lại chạy lên khoa nhi, chơi và tặng quà cho các em nhỏ. Lần đầu hiến máu vào năm 18 tuổi, đến nay, chàng trai này đã 126 lần thực hiện hành động tốt đẹp này. Và động lực để anh duy trì việc hiến máu, hiến tiểu cầu suốt 10 năm qua xuất phát từ một lần nằm điều trị tại bệnh viện.
Thanh bắt đầu hiến máu tình nguyện khi vừa tròn 18 tuổi, khi còn là sinh viên của Trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. Những lần đứng chờ xe buýt tới trường, chàng trai trẻ thường bắt gặp các chuyến xe hiến máu di động. Ban đầu Thanh hiến máu vì đơn giản thấy vui thôi, hiến máu xong được tặng quà thì tặng lại người yêu… Nhưng rồi sau đó, thời điểm ngày 1/1/2017, Thanh bị tai nạn mất rất nhiều máu. Nằm trong bệnh viện Việt Đức, thấy những bệnh nhân nằm cạnh còn nặng hơn, cần máu hơn để duy trì sự sống, Thanh quyết định mình sẽ đi hiến máu để cứu giúp được nhiều người hơn nữa. Từ đây, việc hiến máu không chỉ là cho mình vui mà còn vì cộng đồng.
Xuất hiện trong chương trình Việc tử tế tháng 8 là chị Nguyễn Thị Nhật Lệ - vợ hiện tại của anh Thanh. Đến nay đã gần 6 năm, tình cảm của hai vợ chồng vẫn như thuở mới yêu. Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ nhất của hai người, chị Lệ chia sẻ rằng hồi mới yêu, có một lần anh Thanh rủ chị đi du lịch. Chị cũng rất hào hứng và tất bật sửa soạn. Nhưng khi chồng dừng xe và bảo chị rằng tới địa điểm rồi, chị mới ngỡ ngàng khi thấy dòng chữ trên bia đá trước cổng "Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương". Kể từ lúc đó đến bây giờ, cứ hễ chồng bảo đi du lịch là chị sẽ biết là đi hiến máu. Chị Lệ cũng đã trở thành người đồng hành của anh Thanh trong hành trình hiến máu và tiểu cầu.
10 năm thanh xuân của anh Thanh là 10 năm gắn liền với "hiến máu và bệnh viện". Bên cạnh đó, Thanh không chỉ hiến máu cứu người, Thanh còn điều tiết giao thông khi tắc đường. Giữa cái bộn bề của cuộc sống, ai cũng mong về nhà thật nhanh, còn Thanh đã dừng lại, mong cho sự bộn bề đó được giải tỏa, mọi người vui vẻ được trở về nhà. Thanh còn là người đứng ra kết nối những tấm lòng hảo tâm và trực tiếp vận chuyển những chuyến hàng thiết yếu đến với những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Dù là với việc gì, Thanh luôn tin vào điều mình đang làm sẽ mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Kiến trúc sư trẻ và những công trình xây ước mơ cho người nghèo
Bén duyên với thiện nguyện từ thời sinh viên, khi đó anh Trịnh Văn Thắng đang tham gia Hội đồng hương Tân Yên tại Hà Nội. Khi có điều kiện hơn, anh Thắng bắt đầu thành lập công ty xây dựng và đứng ra hướng dẫn các cộng sự. Tuy nhiên, không vì là giám đốc mà anh Thắng nề hà bất cứ việc gì. Từ pha màu đến cầm chổi quét sơn, hay dù phải leo trèo, anh đều trực tiếp làm cùng anh em. "Xây ước mơ, cùng em đến trường", anh Thắng không chỉ xây trường vùng cao, hỗ trợ các gia đình có con em đang đi học 1 ngôi nhà để che mưa che nắng; anh Thắng còn khoác lên cho mái ấm một chiếc áo mới đầy sắc màu, sinh động và là người bạn tâm giao, chia sẻ mọi nỗi vui buồn cùng những gia đình nghèo khó.
Dù là ở đâu, anh Thắng cũng luôn được mọi người yêu mến và chào đón nhiệt tình. Năm 2021, anh trở về quê hương Tân Yên, Bắc Giang và và kết nối để thực hiện chương trình trao tặng 40 con bò giống cho 40 hộ gia đình khó khăn. Chị Giáp Thị Hiền - người bạn đồng hành cùng anh Thắng từ khi còn ở trong Hội đồng hương Tân Yên. Hiện nay, chị Hiền đang giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên, Bắc Giang.
Anh Thắng và chị Hiền luôn giữ mối quan hệ tình bạn thân thiết. Cùng với chị Hiền và những anh em, bạn bè có chung tấm lòng thiện nguyện, những chuyến trở về của anh Thắng còn là để xây dựng những ngôi nhà tình thương, mang đến cuộc sống mới cho những cụ già neo đơn.
Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Anh Thắng và những người bạn cứ miệt mài với những công trình, đem lại cho những người yếu thế một ngôi nhà để ở, cho trẻ em một số nơi có một ngôi trường khang trang hơn để học. Thành công theo đuổi họ không phải là tiền tài, danh vọng mà là niềm hạnh phúc của những người được nhận và cuộc sống đổi thay nơi họ đi qua.
Người đàn ông khiếm thị trở thành huấn luyện bóng đá của trẻ em vùng biên giới
Đam mê là khi chúng ta không từ bỏ, mà sẵn sàng làm mọi cách để theo đuổi đến cùng. Anh Phan Văn Sanh cũng đam mê bóng đá theo cách như vậy. Từ năm lớp 4, cậu bé Phan Văn Sanh đã sớm bộc lộ năng khiếu đá bóng, được gọi lên tuyển. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sanh đành ngậm ngùi từ chối cơ hội theo đuổi đam mê. Chạy theo trái bóng tròn đến năm 10 tuổi, anh đầu quân cho Câu lạc bộ bóng đá tỉnh Đồng Tháp. Chỉ 6 năm sau, Sanh đã giành suất đá chính và được giới thiệu cho các đội bóng lớn như Kiên Giang, Bến Tre.
Tương lai với sân cỏ dường như rộng mở với chàng trai trẻ ở vùng biên giới, thế nhưng, biến cố cuộc đời không thể lường trước được. Ngày 16/2/2015, trong lần về giỗ cha ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, anh Sanh không may bị tai nạn giao thông và mất đi vĩnh viễn đôi mắt. Dù anh em trong đội bóng và gia đình hết sức chạy chữa, nhưng anh Sanh đành phải ngậm ngùi từ giã sự nghiệp.
Nhưng tưởng đam mê bóng đá của anh cứ thế lụi tàn, nhưng anh đã gắn bó theo một cách riêng: trở thành HLV của những em nhỏ mê bóng đá tại quê nhà. Sau biến cố ấy, anh cũng đã tìm học những bộ môn khác như học chữ nổi, học massage người khiếm thị,... nhưng rồi đều không thích. Vì tình yêu với bóng đá quá lớn, năm 2019, anh đã mở "Đam mê FC" dạy bóng đá cho các em nhỏ. Sau này, "Đam mê FC" đổi tên thành Lớp bóng đá cộng đồng Phan Văn Sanh.
Sanh chia sẻ ban đầu phụ huynh không tin tưởng vì nghĩ rằng thầy không nhìn thấy gì thì sao dạy các con được. Tuy nhiên, mọi khó khăn không thể làm Sanh nản lòng. Thầy Sanh luôn cố gắng truyền niềm đam mê bóng đá cho các con qua từng bài chạy, bài luyện cơ thực hành theo cách dễ hiểu nhất. Chỉ hơn 1 năm sau khi thành lập, số em đòi theo đội bóng thầy Sanh lên đến gần 400 trăm em.
Đội bóng nhí của thầy Sanh lần lượt chinh phục từng giải đấu lớn nhỏ. Lớp học tuy không thu tiền nhưng cũng đặt ra những tiêu chí riêng đặc biệt. Các em phải đạt học lực trung bình trở lên, đáp ứng 3 không: "không chơi game, không chửi thề, không hút thuốc" mới được nhận.
Thử thách cuộc đời không ai có thể lường trước, nhưng Sanh đã nỗ lực đối diện nghịch cảnh và vươn lên giúp ích cho đời. Ngọn lửa đam mê chinh phục sân cỏ của Sanh chưa bao giờ vụt tắt. Sự nghiệp với bóng đá của Sanh được tiếp diễn theo một cách rất đặc biệt khác, đó là trở thành Huấn luyện viên bóng đá, gieo niềm yêu thích với trái bóng lăn tới các em nhỏ.
Hãy cứ ước mơ, hãy cứ sống hết mình với đam mê. Dù khó khăn lớn đến mức nào, dù có vấp ngã nhiều ra sao, chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc, chỉ cần có đam mê thì mọi trở ngại đều sẽ ở lại phía sau. Đó là thông điệp mà Việc tử tế tháng 8 muốn truyền tải tới khán giả./.