• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việc xử lý cán bộ sai phạm được khẳng định là ngày càng nghiêm minh, không có bất cứ vùng cấm nào

Thời sự 20/09/2017 17:09

(Tổ Quốc) - Thông báo Kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư ngay sau khi được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận với tinh thần ủng hộ, đồng tình cao và tin tưởng vào quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng ta. Một lần nữa, việc xử lý cán bộ sai phạm được khẳng định là ngày càng nghiêm minh, không có bất cứ vùng cấm nào, bất kể người đó là ai, dù đã về hưu hay đương chức.

Các vấn đề được bàn, xem xét, kết luận trong bốn ngày diễn ra kỳ họp là kết quả cả quá trình kiểm tra của những cán bộ làm công tác kiểm tra đảng mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra T.Ư, theo đúng nguyên tắc, quy trình, kiên trì, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, công tâm và có dũng khí, kiên quyết không khoan nhượng với những hành vi làm trái nguyên tắc, kỷ cương của Ðảng. Mục tiêu là làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và chế độ.

Vi phạm của một số cấp ủy, tổ chức đảng và các cá nhân liên quan mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ rõ tại Kỳ họp 17 là nghiêm trọng; có trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ðó là chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; vi phạm quy định của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy; vi phạm quy chế làm việc; quản lý, sử dụng đất đai; công tác cán bộ, tài chính,... Ðiều đó ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, gây bức xúc trong xã hội và làm giảm niềm tin của nhân dân. Hàng loạt cán bộ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã bị xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật.

Những vấn đề nêu trên được cảnh báo từ lâu, nhất là trong hai nhiệm kỳ Ðại hội XI và XII của Ðảng, Trung ương đã ban hành hai nghị quyết đặc biệt quan trọng (Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII ban hành hai chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại các kỳ họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác này, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương không ai được đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, tại sao những vụ việc nêu trên vẫn tồn tại kéo dài không được các cấp ủy, tổ chức đảng ở đó kiểm điểm, xử lý, mà đến khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm mới được chỉ rõ? Trong nhiều nguyên nhân, có một điều dễ thấy là các nội dung vi phạm mà Kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ ra đều liên quan trực tiếp đến người đứng đầu. Qua đó cho thấy, khi người đứng đầu vi phạm, áp đặt, cố ý làm trái sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng ở đó, gây sự phân tâm, mất đoàn kết nội bộ, làm giảm sút, thậm chí lu mờ vai trò của cấp ủy. Tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình, việc phát huy dân chủ chỉ còn là hình thức, thậm chí được mượn để bao che cho lợi ích cá nhân. Người đứng đầu vi phạm sẽ không dám nói mạnh đến ai, hoặc nói không ai nghe. Cán bộ cấp dưới không dám đấu tranh, làm cho những vi phạm kéo dài, hoặc dễ nảy sinh những vi phạm khác.

Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa XI, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Trong đó nêu rõ, người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình; thật sự cầu thị, tự giác, trung thực; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa; đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Thế nhưng, những người đứng đầu trong các cấp ủy, đơn vị nêu trên đã vi phạm các nguyên tắc sinh hoạt đảng, thiếu gương mẫu, có những vi phạm nghiêm trọng. Ðơn cử như đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HÐND TP Ðà Nẵng - là một cán bộ trẻ, nhưng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Ðảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc của chính quyền; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô-tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp. Ðây là điều rất đáng tiếc, một bài học thấm thía sâu sắc đối với các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ trẻ.

Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Với tinh thần chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của Ðảng mà đứng đầu và trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã mang lại những kết quả cụ thể, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã, đang được xét xử; các đối tượng phạm tội đã và sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Song, sự chuyển biến này mới thể hiện rõ ở Trung ương, nhất là qua các phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Trong khi đó, công tác này ở các địa phương, các cấp, các ngành chuyển biến chưa rõ, thiếu chủ động, quyết liệt; nhiều vụ việc, vấn đề bức xúc, nhân dân vẫn kỳ vọng và mong đợi nhưng chậm giải quyết, hoặc xử lý chưa đến nơi đến chốn.

“Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy. Những kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thời gian qua đã xem xét kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên cũng là xuất phát từ tâm nguyện như đồng chí Tổng Bí thư nói. Việc chỉ ra vi phạm của các cấp ủy, đơn vị nêu trên, không phải chỉ để xử lý cán bộ, không chủ đích nhằm vào một cá nhân nào, mà muốn cùng cấp ủy, tổ chức đảng ở đó thấy rõ vi phạm, khuyết điểm để tìm hướng khắc phục; qua đó rút ra bài học trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ðối với các tỉnh Ðác Nông, Gia Lai, nhất là TP Ðà Nẵng thấy đó là bài học để xốc lại đội ngũ, đoàn kết, vững bước trên chặng đường xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của vùng đất cách mạng kiên trung anh dũng mà nhân dân cả nước luôn trân trọng hướng về.

Theo BẮC VĂN - Báo Nhân Dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ