(Tổ Quốc) - Viêm gan C được phát hiện vào năm 1989 và số ca tử vong do vi rút này gây ra đang ngày một tăng cao nhưng nhiều người còn chủ quan với căn bệnh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến của viêm gan là do vi rút. Có 5 loại viêm gan vi rút là A,B,C,D và E. Viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu từ người mắc bệnh (tiếp xúc máu của người bị nhiễm, sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, băng vết thương, dùng chung kim tiêm, xăm mình, xỏ lỗ tai…) và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV.
Con đường lây nhiễm của viêm gan C chủ yếu qua đường máu và lây truyền từ mẹ sang con. Tỷ lệ lây truyền là là 4-8% nếu người mẹ nhiễm viêm gan C và 10,8 -25% nếu người mẹ đồng nhiễm HIV và viêm gan C.
Viêm gan C có thể lây truyền qua đường tình dục. Người có quan hệ đồng tính nam hoặc nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao nhiễm viêm gan C.
Triệu chứng không rõ ràng nhưng tác hại lớn
Người nhiễm vi rút viêm gan C thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng bên ngoài cho đến khi tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan.
Một số trường hợp, bệnh xuất hiện triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau ít ngày như: mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng mắt…
Trong số 5 loại vi rút gây viêm gan thì viêm gan B,C là những nguyên nhân chính dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong, nhất là đối với người nghiện rượu, mắc bệnh tiểu đường, nhiễm HIV.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tuy nhiên, có khoảng 15-45% người nhiễm vi rút viêm gan C tự loại trừ đước vi rút ra khỏi cơ thể. Số còn lại, khoảng 55 – 85% bệnh nhân sẽ diễn biến thành viêm gan C mạn tính. Khi người bệnh bị mạn tính thì nguy cơ xơ gan và ung thư gan rất cao.
Nếu giai đoạn viêm gan C cấp, khoảng 6 tháng không thể tự khỏi được thì người bệnh bước sang giai đoạn mạn tính. Cơ may khỏi bệnh rất hiếm nếu không điều trị . Ở giai đoạn này, có thể bắt đầu có những tổn thương nặng hơn cho gan.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và số người nhiễm cao gấp 4-5 lần so với số người nhiễm HIV.
Cách duy nhất để phát hiện viêm gan C là xét nghiệm. Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan C cần đi xét nghiệm bao gồm: Người tiêm chích ma túy, người có HIV, người sử dụng ma túy bằng đường hít, tù nhân, người từng xăm trổ, xỏ khuyên tai, chăm sóc nha khoa… ở những cơ sở không đảm bảo khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan.
Chữa trị viêm gan C
Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho bệnh viêm gan C. Tuy nhiên, người mắc bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan B. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên tới trên 90% .
Điều trở ngại lớn nhất của người mắc bệnh viêm gan C là chủ quan, không phát hiện bệnh được từ sớm dẫn đến việc điều trị ở các giai đoạn sau tốn kém, mất thời gian.
Hiện nay, việc tiếp cận thuốc chữa viêm gan C vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh. Ngay cả việc thanh toán thông qua bảo hiểm cho người bệnh viêm gan C thì tỉ lệ được chi trả cho bệnh nhân cũng thấp.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Cách phòng bệnh
Phòng tránh tất cả các nguy cơ lây bệnh đã được liệt kê từ nguyên nhân lây bệnh ở trên. Trong đó chú ý việc truyền máu, các chế phẩm máu, dịch thể. Làm sạch vết máu (dùng găng cao su và chất khử trùng).
Tránh dùng chung kim tiêm hay những vật dụng tương tự (như xăm mình, tiêm chích thuốc, kim châm cứu…) và những vật dụng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo…)
Tránh những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu (sử dụng bao cao su làm giảm nguy cơ).
Khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cần đến cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn, và chắc chắn các dụng cụ đã được tiệt trùng.
Một điều chú ý là những hành vi như: hắt hơi, ho, ôm hôn, bắt tay với người bệnh, ăn chung, uống chung, dùng chung bát thìa, cho con bú không gây lây nhiễm.
Nhị Xuân