(Tổ Quốc) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại (mã độc) tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm.
Cụ thể, theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn.
Nhiều mã độc đang tồn tại trong các hệ thống mạng máy tính tại Việt Nam hết sức nguy hiểm. Hình minh họa: Báo Người Lao động
Bộ này đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 14 năm 2018 của Thủ tướng, lưu ý thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thời hạn hoàn thành (tháng 12/2018) bảo đảm có giải pháp phòng, chống mã độc bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới; giải pháp phòng, chống mã độc được đầu tư mới hoặc nâng cấp cần có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại...
Đồng thời, trong các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải có cấu phần phù hợp cho giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, giải pháp phòng, chống mã độc.
Văn bản cũng yêu cầu ưu tiên sử dụng giải pháp phòng, chống mã độc sản xuất trong nước theo tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên khi đầu tư, mua sắm có các chức năng, tính năng kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với các yêu cầu nghiệp vụ hoặc quy định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước…
Khi phát hiện dấu hiệu của các chiến dịch tấn công mạng, thông báo về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại./. Thái Tùng