Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Golf hiệu quả, bền vững
(Tổ Quốc) - Chiều 28/11, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Thể dục thể thao, Công ty TNHH 54 Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển du lịch Golf tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh chóng. Có thể khẳng định năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch Covid-19 (năm 2019).
Dự kiến năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đạt và vượt một số chỉ tiêu du lịch được Chính phủ giao, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Việt Nam đang cố gắng phát triển các sản phẩm du lịch mới, dựa trên thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của mình. Trong đó, du lịch Golf là một trong những loại hình du lịch mới, nhiều tiềm năng phát triển và đã được đưa vào các chiến lược, quy hoạch phát triển lâu dài của du lịch Việt Nam.
"Golf không chỉ là một bộ môn thể thao mà còn là một ngành kinh tế đem lại giá trị cao. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đã có những chiến lược để phát triển du lịch Golf.
Với điều kiện địa hình, khí hậu và văn hóa, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển mạnh du lịch Golf. Nhất là với đường biển dài và nhiều bờ biển, đảo đẹp của Việt Nam sẽ là điều kiện lý tưởng để phát triển các tổ hợp vui chơi, giải trí, phát triển du lịch Golf", ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng gần 100 sân Golf và đang hướng tới xây dựng 200 sân Golf trên cả nước trong thời gian tới.
Vừa qua, Việt Nam đã được Tổ chức Giải thưởng Golf Thế giới (World Golf Awards) vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á năm 2024". Đây là lần thứ 8 liên tiếp, Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á" và trong 8 lần đó, có 2 lần được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới".
Khẳng định tiềm năng phát triển du lịch Golf của Việt Nam là rất lớn song theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, thời gian qua, việc quản lý, phát triển loại hình này ở Việt Nam còn thiếu sự bài bản, chuyên nghiệp, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Để phát triển du lịch Golf hiệu quả, bền vững, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã giao các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL nghiên cứu, triển khai những đề án, chiến lược, quy hoạch liên quan đến Golf, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch Golf và thể thao.
Trong quá trình đó, Bộ VHTTDL đã nhận được đề xuất của Công ty TNHH 54 Việt Nam với những tư vấn, chiến lược phát triển Golf chuyên nghiệp, bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ mong muốn Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác lần này sẽ mở ra giai đoạn mới, đưa đưa du lịch, thể thao Golf phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế thể thao, cũng như du lịch của Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Jed Moore - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn 54 chúc mừng Việt Nam về những giải thưởng du lịch vừa qua. Ông Jed Moore cho biết, 54 Group là tập đoàn hàng đầu thế giới trong phát triển các môn thể thao như Golf.
Tập đoàn 54 có nhiều kinh nghiệm phát triển Golf ở nhiều quốc gia trên thế giới, và với điều kiện ở Việt Nam, cùng với các sáng tạo về công nghệ, số hóa, kỹ thuật...sẽ giúp Golf Việt Nam phát triển nhanh chóng, có thể vượt xa những thành công ở các quốc gia mà Tập đoàn 54 đã triển khai. Ông Jed Moore cam kết sẽ cống hiến vào sự phát triển của bộ môn Golf ở Việt Nam.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, Golf là môn thể thao rất phù hợp với thể chất người Việt Nam, và có thể phát triển thể thao thành tích cao. Tuy vậy, chi phí để đào tạo cho VĐV có thành tích ở môn thể thao này rất lớn, đây cũng là khó khăn đối với Việt Nam trong quá trình phát triển Golf.
Theo Cục trưởng Đặng Hà Việt, phát triển bộ môn Golf là trăn trở của ngành thể dục thể thao Việt Nam. Cục Thể dục thể thao mong muốn tìm kiếm được nguồn lực xã hội để có thể phát triển rộng khắp cũng như đào tạo đội ngũ vận động viên chuyên nghiệp cho môn thể thao này.
Với sự đồng hành của Công ty TNHH 54, thể thao Việt Nam tin tưởng rằng sẽ có cơ sở và nền tảng vững chắc để triển khai một cách có hiệu quả mục tiêu mà môn Golf, Golf thành tích cao cũng như du lịch Golf đặt ra.
Chia sẻ tại sự kiện, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa cho rằng, việc phát triển Golf với vai trò vừa là ngành kinh tế du lịch, vừa là kinh tế thể thao sẽ góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Sự bắt tay của ngành Du lịch, Thể thao và Công ty 54 sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến Golf đẳng cấp quốc tế, trở thành động lực thúc đẩy Golf Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, bền vững.
Theo ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam, khách du lịch Golf tạo ra nguồn thu lớn cho du lịch bởi khách du lịch Golf thường có lượng chi tiêu cao. Vì vậy việc thu hút khách du lịch Golf có ý nghĩa rất lớn với phát triển du lịch.
Đến thời điểm này của năm 2024, khách du lịch Golf đến Việt Nam đang chưa đạt kỳ vọng, Hiệp hội Golf Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp để thu hút, thúc đẩy khách du lịch Golf đến Việt Nam.
Tại buổi lễ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Cục Thể dục thể thao và Công ty TNHH 54 Việt Nam đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển du lịch Golf tại Việt Nam.
Theo biên bản, các bên sẽ Tổ chức Hội nghị Golf quốc tế tại Việt Nam. Dự kiến, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Thể dục thể thao, Công ty 54 và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Golf quốc tế tại Thừa Thiên Huế (World Golf Summit in Vietnam).
Các bên sẽ xây dựng chi tiết và triển khai hệ thống đánh giá xếp hạng cho sân golf tại Việt Nam. Đồng thời đề xuất chiến lược, ý tưởng và lập kế hoạch để có hồ sơ thu hút nguồn lực và các sự kiện thể thao quốc tế tại Việt Nam./.