• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam có “vũ khí chiến lược” chống Zika và sốt xuất huyết?

Thời sự 01/11/2016 10:06

(Tổ Quốc) -Câu trả lời là có. Tuy nhiên “vũ khí” này vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên thuộc vùng biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

 Cộng tác viên dự án đang thả muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia ra môi trường tự nhiên ở đảo Trí Nguyên.

“Dĩ độc công độc”

Trong khi giới chức y tế dự phòng ngày đêm kêu gọi người dân tận diệt muỗi bằng mọi phương cách, đặc biệt là diệt loăng quăng để giảm thiểu số người mắc bệnh sốt xuất huyết, thì một nhóm chuyên gia lại thả muỗi ra đảo Trí Nguyên nhằm “loại trừ sốt xuất huyết”.

Thì ra đây là lối “dĩ độc công độc” khi sử dụng chính muỗi vằn (Aedes aegypti), vốn là trung gian lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, để loại trừ khả năng lây truyền bệnh của loại muỗi diệt hoài không hết này.

Để làm được điều này, các chuyên gia khiến muỗi vằn nhiễm khuẩn Wolbachia, loại vi khuẩn có sẵn trong tự nhiên và ức chế sự phát triển của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, rồi thả ra đảo Trí Nguyên.

Cộng tác viên dự án đang thả muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia ra môi trường tự nhiên ở đảo Trí Nguyên.

Nếu muỗi vằn cái nhiễm khuẩn Wolbachia “giao lưu” với muỗi vằn đực trên đảo, toàn bộ muỗi con sinh ra cũng đều nhiễm khuẩn Wolbachia. Nếu muỗn vằn đực nhiễm khuẩn Wolbachia “giao lưu” với muỗi cái trên đảo, toàn bộ trứng do bộ đôi này đẻ ra không thể nở thành loăng quăng. Còn nếu bộ đôi muỗi vằn cả đực lẫn cái đều nhiễm khuẩn Wolbachia thì toàn bộ con của chúng cũng nhiễm loại khuẩn này.

Nói cách khác, khi các chuyên gia thả muỗi vằn nhiễm khuẩn Wolbachia ra đảo Trí Nguyên, sau một thời gian đàn muỗi tự nhiên trên đảo này đều nhiễm khuẩn. Kết quả là muỗi vằn trên đảo không còn khả năng lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết nữa.

Theo TS.BS Nguyễn Bình Nguyên - Điều phối viên thực địa Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, một trong số những chuyên gia đã thả muỗi vằn trên đảo Trí Nguyên, cho hay việc thả muỗi được tiến hành từ năm tháng 4/2013 (đợt 1) và tháng 5/2014. Số liệu cho thấy trong năm 2014, 2015 không cư dân nào trên đảo Trí Nguyễn mắc bệnh sốt xuất huyết, trong khi từ năm 2013 trở về trước số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại đảo này không ít.

“Vũ khí” chống Zika

Hồi tháng 5/2016, tạp chí khoa học Cell Host & Microbe đã tăng tải kết quả nghiên cứu khẳng định vi khuẩn tự nhiên Wolbachia có khả năng làm giảm số lượng virus Zika trong cơ thể muỗi vằn (Aedes aegypti).

Một góc đảo Trí Nguyên, hòn đảo dùng làm nơi thử nghiệm “vũ khí chiến lược” chống sốt xuất huyết và Zika.

Theo tác giả bài báo, tiến sĩ Luciano Moreira - Trưởng nhóm thực hiện Dự án Loại trừ Sốt xuất huyết tại Brazil (tương tự nhóm thực hiện dự án tại đảo Trí Nguyên), sau các thử nghiệm cho thấy có sự giảm đáng kể số lượng virus Zika trong nước bọt của muỗi vằn nhiễm khẩn Wolbachia. “Kết quả này chứng tỏ Wolbachia có nhiều tiềm năng trong việc ngăn chặn sự lan truyền của virus Zika ở thực địa” - tiến sĩ Luciano Moreira viết. 

Đến tháng 7/2016, một nghiên cứu khác liên quan đến mối liên hệ giữa Wolbachia và virus Zika được công bố trên tạp chí Scientific Reports.  Theo các nhà khoa học từ Đại học Wisconsin-Madison và Đại học Antioquia, tác giả công trình nghiên cứu, muỗi vằn mang khuẩn Wolbachia ít có khả năng nhiễm virus Zika sau khi được cho ăn máu có virus này và nếu bị nhiễm thì chúng không thể truyền virus Zika qua tuyến nước bọt.

Cư dân đảo Trí Nguyên đồng lòng tham gia thử nghiệm “vũ khí chiến lược”.

Mặc dù lối “dĩ độc công độc” bằng cách dùng muỗi vằn nhiễm khuẩn Wolbachia chỉ nhằm loại trừ bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, song ngày càng có nhiều bằng chứng từ giới khoa học cho thấy đây cũng là “vũ khí” chống virus Zika đang khiến thế giới đau đầu, người dân lo lắng.

Khi nào “vũ khí” chính thức được dùng?

Trong bối cảnh thế giới đang “sống chung với sốt xuất huyết” (bệnh lưu hành ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 400 triệu ca mắc hàng năm) vì chưa có thuốc đặc trị lẫn vaccine phòng ngừa thì dịch Zika lại bùng phát. Loại virus được cho là gây bệnh đầu nhỏ ở thai nhi hiện đã được ghi nhận tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Tổ chức Y tế thế giới.

Muỗi vằn (Aedes aegypti), vốn là trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và Zika, nay trở thành “vũ khí chiến lược” nhờ khuẩn Wolbachia, hứa hẹn xử lý hữu hiệu và rẻ tiền trong cuộc chiến dai dẳng giữa người và muỗi.

Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận hơn 45.000 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng. Liên quan đến dịch bệnh Zika, tới thời điểm này Cục Y tế dự phòng ghi nhận 23 trường hợp người Việt nhiễm virus Zika, trong đó 17 trường hợp tại TP.HCM, 4 trường hợp khác đượ phát hiện tại Nha Trang, Phú Yên, Bình Dương và Long An (bé 4 tuổi, phát hiện hôm 20/10).

Trước tình trạng này, hôm 17/10 Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika. Đến 20/10, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Chỉ thị về việc tổ chức diệt loăng quăng, diệt muỗi và triển khai công tác phòng chống bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết trên phạm vi cả nước. Dù “bệnh cảnh” liên quan đến bộ đôi virus Dengue và Zika đang khiến cộng đồng lo lắng mà “vũ khí” thử nghiệm trên đảo Trí Nguyên vẫn chưa được mang ra dùng?

Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu dự án.

Trả lời câu hỏi này, TS.BS Nguyễn Bình Nguyên - Điều phối viên thực địa Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, nói rằng dự kiến sau năm 2017 “vũ khí” mới có khả năng nhân rộng, tức thực sự “dùng cho chiến trường”. Lý do, theo TS Nguyên là dù hiệu quả loại trừ bệnh sốt xuất huyết đã thấy rõ, còn khả năng loại trừ Zika đang ngày càng có nhiều bằng chứng, song các chuyên gia cần thêm thời gian nhằm đánh giá một cách toàn diện hơn các nguy cơ có thể xảy ra. “Dù tới thời điểm này một hội đồng quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam đã đưa ra kết luận đây là phương pháp an toàn cho con người, động vật và môi trường” – TS Nguyên thông tin thêm.

Một lần nữa, với câu hỏi Việt Nam có “vũ khí chiến lược” chống Zika và sốt xuất huyết?, câu trả lời là có, song chưa thể đưa ra “chiến trường”, ít nhất là từ nay đến hết năm 2017.

 Khuẩn Wolbachia (màu xanh lá cây) bên trong trứng muỗi vằn (hình phóng đại).

Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết là một chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận do trường Đại học Monash, Australia chủ trì. Chương trình được sự hỗ trợ của chính phủ các nước và các nhà tài trợ bao gồm Quỹ cho Viện sức khỏe Quốc gia như là một phần chương trình “Những thử thách lớn về sức khoẻ toàn cầu” của Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Wellcome Trust, Quỹ Tahija và Quỹ Gia đình Gillespie. Chương trình đang triển khai tại 5 quốc gia: Australia, Brazil, Colombia, Indonesia và Việt Nam. Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã hợp tác với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà và các nhà khoa học của Đại học Monash (Australia) bắt đầu nghiên cứu về vi khuẩn Wolbachia từ năm 2006 trong khuôn khổ của Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”.

Đỗ Bá

NỔI BẬT TRANG CHỦ