• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa?

Sức khỏe 06/07/2022 10:06

(Tổ Quốc) - Sốt xuất huyết luôn là nỗi lo lắng không chỉ của người dân mà còn của các cơ sở y tế. Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào? Đã có vắc xin phòng ngừa bệnh chưa?

Virus Dengue được xác định là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh lây lan từ người này qua người khác do muỗi vằn mang virus Dengue đốt.

Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng bùng phát chủ yếu vào mùa mưa. Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh và xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, phát ban, đau cơ, đau khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng…

Cần có biện pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh sốt xuất huyết để không dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Sốt xuất huyết nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Khi mắc sốt xuất huyết, sẽ có người không xuất hiện triệu chứng nhưng cũng có người nhầm dấu hiệu sốt xuất huyết với các bệnh khác như cúm.

Đặc trưng biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết sẽ bao gồm: Sốt cao 40 độ C; Đau đầu; Đau cơ, xương hoặc khớp; Buồn nôn và nôn; Đau sau mắt; Phát ban…

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? - Ảnh 1.

Sốt cao, đau đầu là triệu chứng đặc hiệu ở người bị sốt xuất huyết

Sau khi nhiễm sốt xuất huyết, hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Nhưng cũng có trường hợp, diễn biến bệnh xấu đi và đe dọa tới tính mạng.

Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng thường bắt đầu vào ngày đầu tiên hoặc hai ngày sau khi hết sốt, và có thể bao gồm: Đau bụng dữ dội; Nôn mửa liên tục; Tiểu ra máu, đại tiện ra máu hoặc nôn ra máu; Chảy máu lợi hoặc mũi; Chảy máu dưới da, có thể trông giống như bầm tím; Khó thở hoặc thở nhanh; Mệt mỏi; Khó chịu hoặc bồn chồn.

Nếu chủ quan trong việc điều trị, sốt xuất huyết có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao, cụ thể: Giảm khối lượng tuần hoàn gây thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc sốt xuất huyết; Xuất huyết nặng như chảy máu cam, rong kinh, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết nội tạng và đường tiêu hóa dẫn tới đông máu rải rác lòng mạch; Suy tạng nặng: suy gan cấp, suy thận cấp…; Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não); Viêm cơ tim, suy tim.

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? - Ảnh 2.

Biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn

Các bác sĩ khuyến cáo, trong 1 – 2 ngày, nếu người mắc sốt xuất huyết gặp phải triệu chứng sốt cao đột ngột không hạ, kèm theo dấu hiệu nổi các nốt mẩn đỏ trên da cần đến ngay cơ sở y tế để được tiến hành làm kiểm tra và nhận phương pháp điều trị hiệu quả nhất, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Việt Nam có vắc xin phòng sốt xuất huyết chưa?

Vắc xin sốt xuất huyết Dengvaxia được Sanofi Pasteur (Pháp) bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người về dược lý, tính an toàn, hiệu quả.

Dengvaxia là một loại vắc xin sống, giảm độc lực, được sử dụng dưới dạng ba mũi tiêm riêng biệt, với liều ban đầu, sau đó là hai mũi bổ sung được tiêm vào 6 và 12 tháng sau đó. Vắc xin này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận và được Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng khuyến cáo sử dụng thường quy. Vắc xin có khả năng phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết do cả 4 loại huyết thanh vi rút sốt xuất huyết gây ra.

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? - Ảnh 3.

Vắc-xin sốt xuất huyết Dengvaxia

Vào tháng 12/2018, Dengvaxia đã được phê duyệt trong Liên minh Châu Âu. Đến tháng 5/2019, Dengvaxia đã được Hoa Kỳ phê duyệt để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết do tất cả các loại huyết thanh virus sốt xuất huyết gây ra (1, 2, 3 và 4) ở những người từ 9 đến 16 tuổi đã mắc bệnh sốt xuất huyết trước đó và được phòng thí nghiệm xác nhận.

Tính an toàn và hiệu quả của vắc xin cũng đã được xác định trong ba nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược liên quan đến khoảng 35.000 cá nhân ở các khu vực lưu hành bệnh sốt xuất huyết, bao gồm Puerto Rico, Mỹ Latinh và khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? - Ảnh 4.

Vắc xin phòng sốt xuất huyết đã được phê duyệt ở 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm 2022, vắc xin Dengvaxia sẽ được tiêm cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 9–16 tuổi tại quốc gia này. Những trẻ này đã nhiễm vi rút sốt xuất huyết trước đó, đã được phòng thí nghiệm xác nhận và đang sống trong khu vực bùng phát bệnh sốt xuất huyết (xảy ra thường xuyên hoặc liên tục).

Tại Việt Nam, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh được giao thực hiện nghiên cứu trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (1.402 trẻ) và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (934 trẻ). Kết quả toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin đều an toàn, không xảy ra tai biến.

Hiện nay, kết quả nghiên cứu này đã được trình lên Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) chờ nghiệm thu và cấp phép lưu hành vắc xin.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam chưa chính thức lưu hành bất kỳ loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nào. Vì vậy, chủ động phòng ngừa trong sinh hoạt là biện pháp đối phó tốt nhất.

Bệnh sốt xuất huyết: Phòng hơn chữa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng vắc xin không phải là một phương pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở những khu vực thường có dịch bệnh. Phòng chống muỗi đốt và kiểm soát quần thể muỗi gây bệnh vẫn là phương pháp chính để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết.

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? - Ảnh 5.

Áp dụng các biện pháp tránh muỗi đốt để ngăn ngừa sốt xuất huyết lây lan.

Mỗi gia đình nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ bản thân và trẻ khỏi bị muỗi đốt: Chọn kem chống muỗi phù hợp; Mặc quần áo dài khi đi ra ngoài nhất là vào thời điểm chiều tối; Giảm thiểu muỗi sinh sản: dọn sạch những nguồn nước đọng để không cho muỗi sinh sản, cuối cùng làm giảm số lượng muỗi. Không được để chất thải ẩm ướt tích tụ gần nhà và giữ môi trường xung quanh sạch sẽ để giảm nguy cơ tiếp xúc với muỗi; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Che chắn tốt hoặc sử dụng màn chống muỗi khi ngủ; Cho trẻ ăn những loại thực phẩm tăng đề kháng và miễn dịch như cam, bông cải xanh, sữa chua, gừng, rau bina, hạnh nhân…

Hệ thống miễn dịch của trẻ em đang phát triển nên có thể làm tăng tác động tiêu cực của bệnh sốt xuất huyết đối với cơ thể của chúng. Vì vậy, phụ huynh cần để ý các dấu hiệu mất nước ở trẻ khi mắc bệnh để liên hệ bác sĩ kịp thời.

Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? - Ảnh 6.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ