• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020

Thời sự 18/11/2019 15:10

(Tổ Quốc) - Phát biểu tại cuộc Họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sáng ngày 18/11 tại Hà Nội, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: "Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020".

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, từ bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, đối với thương mại tự do, cũng như các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng và xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN, những yêu cầu về xây dựng cộng đồng ASEAN cùng những nhiệm vụ đặt ra cho ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là Gắn kết và Chủ động thích ứng.

Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Khánh.

Gắn kết là mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy phát triển vững mạnh của cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, gắn bó với người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Khái niệm gắn kết đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN, như Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN 2025, bao gồm gắn kết về chính trị, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh ASEAN đang chịu các tác động phức tạp, đa chiều từ bên ngoài và đứng trước nhu cầu phát triển và liên kết sâu rộng từ chính ASEAN thì nội hàm gắn kết ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Cộng đồng ASEAN.

Yếu tố Chủ động thích ứng là mong muốn nâng cao năng lực ASEAN để thích ứng chủ động và hiệu quả trước sự biến động nhanh chóng của tình hình thế giới trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia... Đồng thời nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đem lại.

Gắn kết và Thích ứng là 2 thành tố có tính giao thoa, hỗ trợ chặt chẽ. Một cộng đồng ASEAN gắn kết, phát triển có thể chủ động thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, có chủ động, thích ứng thì sẽ giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết, chặt chẽ.

Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp báo về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Ảnh: Minh Khánh.

Dưới chủ đề này, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên, gồm:

Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh….

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng tiểu ban Vật chất – hậu cần; ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng tiểu ban Tuyên truyền – Văn hóa và Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thường trực tiểu ban An ninh – y tế cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về công tác tổ chức, chuẩn bị cho Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam đã chuẩn bị gì để tranh thủ quảng bá đất nước, con người Việt Nam nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng tiểu ban Tuyên truyền – Văn hóa Lê Quang Tùng, cho biết, về góc độ tiểu ban Tuyên truyền, năm 2020, các bộ ngành, các địa phương phối hợp với tiểu ban Tuyên truyền xây dựng kế hoạch dài hạn và quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh đất nước con người Việt Nam nhân sự kiện Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020. Sau đây, Tiểu ban tuyên truyền cũng sẽ có một đề án tổng thể được Chủ tịch Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 phê duyệt triển khai nhiệm vụ này và sẽ công bố với báo chí các nội dung liên quan.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những thách thức và giải pháp của Việt Nam trong năm 2020 khi Việt Nam vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, ASEAN và Liên hợp quốc (LHQ) là 2 tổ chức đa phương khác nhau, ASEAN là tổ chức cấp khu vực và LHQ là tổ chức mang tính toàn cầu. Việc đảm nhận hai nhiệm vụ cùng lúc sẽ có sự vất vả, nhiều công việc đặt ra hơn nhưng chúng có sự bổ trợ tốt và đây là cơ hội đáng quý. Là Chủ tịch ASEAN thì Việt Nam sẽ có tư cách đại diện cho khu vực ASEAN tại HĐBA LHQ và ngược lại, Việt Nam cũng là cầu nối của LHQ với ASEAN để thực hiện, triển khai các chương trình của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của LHQ. Với 2 tư cách này thì vai trò, vị thế, tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng hơn, được nhiều nước quan tâm hơn.

Đương nhiên, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn như quan tâm đến lợi ích, lập trường, quan điểm đa dạng của nhiều nhóm nước và bảo vệ lợi ích của ASEAN. Việt Nam chắc chắn phải phối hợp nhiều với các nước thành viên ASEAN, các nước thành viên LHQ để đảm bảo sự cân bằng và quan tâm thích đáng đến lợi ích của các bên, phù hợp xu hướng chung của thế giới.

Về việc Việt Nam dự định đưa vấn đề Biển Đông ra HĐBA và ASEAN như thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Biển Đông là vấn đề được các nước khu vực và quốc tế quan tâm. Và các nước quan tâm đến khoảng 5 nội dung: về hòa bình, ổn định; tự do, an toàn đi lại hàng hải, hàng không; tuân thủ pháp luật, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông COC; tình hình thực địa và tình hình hoạt động của ngư dân, cả hoạt động đánh cá và công tác bảo hộ ngư dân.

Trong thời gian tới, tất cả những vấn đề liên quan đến 5 nội dung này sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, cả cả ASEAN và HĐBA, và còn phụ thuộc vào tình hình thực tế.

Liên quan đến kế hoạch đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam rất mong muốn RCEP được kí trong năm 2020 và Việt Nam sẽ làm tất cả những điều có thể để thúc đẩy các bên hoàn tất tiến trình. Với 15 nước tham gia thì đã có thể hướng đến những công việc tiếp theo như rà soát pháp lí và giải quyết các vấn đề kĩ thuật còn lại. Việt Nam cũng sẽ phối hợp và trao đổi thêm với Ấn Độ để hiểu về quyết định của họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ