(Tổ Quốc) - Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19". Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ du lịch.
Cần tuyên truyền mạnh công tác phòng, chống dịch của Việt Nam
Theo ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch TAB, thành viên Ban IV đánh giá: Việt Nam đang ở thời điểm vàng để kích cầu du lịch nội địa. Ông cũng cho rằng nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi trở lại từ cuối tháng 4. Khách trong nước hiện ưu tiên yếu tố an toàn và có ưu đãi.
Hơn một tháng qua, Việt Nam không có ca nhiễm Covid -19 trong cộng đồng thể hiện thành công trong công tác chống dịch. Đây là thành công đáng trân trọng và ngưỡng mộ của Việt Nam cũng như thế giới, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ cũng như các ban ngành. Do đó vấn đề an toàn, phòng chống dịch phải được đặt ra hàng đầu, đáng quan tâm để du khách yên tâm, tự tin đi du lịch. Du lịch nội địa cũng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Các ý kiến đại diện doanh nghiệp cũng như chuyên gia du lịch cho rằng cần phải đẩy mạnh truyền thông công tác phòng, chống dịch Covid -19 hiệu quả của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước. Thực tế, ngay cả truyền thông quốc tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam khống chế dịch bệnh hiệu quả, cho đến nay chưa có ca tử vong, nhiều ca bệnh đã khỏi.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ: Có thể ứng dụng công nghệ để kiểm soát dịch bệnh. Tổng cục du lịch đang thực hiện kế hoạch truyền thông về những điểm đến đảm bảo cho du khách, mong các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành... cùng hỗ trợ truyền thông, đưa ra các tiêu chí, điểm đến an toàn.
Bên cạnh chú trọng truyền thông thì theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch còn nhấn mạnh: "Đây là thời điểm các tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện vai trò dẫn dắt. Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu ngành".
Một số giải pháp khác
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng cần phân chia thành năm khu vực trọng điểm du lịch gồm: Miền Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), miền Nam Trung Bộ (Bình Định, Nha Trang, Buôn Ma Thuột), miền Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận) và miền Tây (Cà Mau, Phú Quốc, Cần Thơ). Ông cũng cho rằng doanh nghiệp nên phát triển hình thức du lịch mới như du lịch lữ hành tại các thành phố, nâng cao trải nghiệm khách hàng, kết nối các chính sách.
Đề cập đến vấn đề mua chung, bán chung, bà Nguyễn Vân, Phó Tổng Giám đốc Hanoitourist cho rằng: Chúng ta cần mua chung bán chung để không gây nhiễu loạn thị trường, tránh gây tâm lý e dè, chờ đợi thời cơ của khách vì thực tế thời gian kích cầu của chúng ta không phải quá dài, mặt khác cũng là để đảm bảo chất lượng và tình hình kinh tế của doanh nghiệp.
Ý kiến khác về giải pháp phục hồi du lịch được ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cùng đưa ra là đề xuất chủ động kéo dài thời gian nghỉ hè để hỗ trợ, kích cầu du lịch.
Nhiều đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" cam kết đồng hành, hỗ trợ để phục hồi du lịch. Đây chính là dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận để ngành du lịch vực dậy hậu Covid – 19. Tuy nhiên sâu xa hơn, nói đến du lịch "không chỉ riêng hạ giá, làm hàng thật, mà còn là dịp tái cấu trúc lại du lịch. Công cuộc tái cấu trúc du lịch phải bắt đầu từ lúc này. Ngành du lịch phải mở đầu, khôi phục nền kinh tế hậu Covid -19" như kỳ vọng của ông Trần Đình Thiên thời điểm này./.