• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bình đẳng giới

Văn hoá 04/10/2023 13:44

(Tổ Quốc) - Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Nhiều thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới

Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".

Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người phụ nữ Việt Nam phát huy tiềm năng to lớn trong thời đại mới, tiên phong đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Thời gian qua, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Gần nhất, ngày 3-3-2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Hiện nay, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. 

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. 

Ngoài ra, thành tựu về bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. 

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại… Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng Kôvalevskaia trong 35 năm qua, hàng nghìn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn cao cả, sâu sắc...

Trên trường quốc tế, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ưu tiên xuyên suốt về "Phụ nữ, Hòa bình và An ninh" với việc chủ trì thông qua Nghị quyết 1889 về vai trò của phụ nữ trong tái thiết hậu xung đột (năm 2009) và tổ chức Hội nghị quốc tế duy nhất với quy mô toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh trong năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ra đời chương trình nghị sự này. Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; con số này hiện chiếm khoảng 16% lực lượng của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cao hơn tỷ lệ khuyến khích của Liê hợp quốc.

Trong hợp tác song phương, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ được lồng ghép vào hoạt động đối ngoại ở các cấp, từ trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao, đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết, thực hiện các thỏa thuận hợp tác cụ thể, thiết thực với các đối tác.

Cần trao thêm các cơ hội bình đẳng

Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng.

Trong gia đình, phụ nữ tham gia vào việc ra quyết định thấp hơn nam giới. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung phụ nữ ít được quyền quyết định công việc gia đình so với nam giới. Quyền lực cao hơn của người chồng thể hiện ở quyền quyết định ở những công việc quan trọng của gia đình, còn phụ nữ thường bị gắn với việc nội trợ.

GS.TS Lê Thị Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho biết: "Phụ nữ Việt Nam hiện đại đã có quyền công dân mà trong thời phong kiến thì phụ nữ không có quyền đó. Khi có quyền công dân thì phụ nữ được tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, được học tập văn hóa, thậm chí đi tham gia quân đội như nam giới. Nếu tôi so sánh bây giờ với lứa của mẹ tôi ngày xưa thì tôi thấy đã khác rồi. Chúng tôi có quyền tự do trong gia đình, tự do hoạt động xã hội, quyền tự do học tập".

Cũng theo GS.TS Lê Thị Quý, phụ nữ phục vụ cho chồng con không đã là sự đóng góp rất lớn rồi, không những vậy họ còn trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, sản xuất. Từ nông nghiệp, công nghiệp đến trí thức đều có sự tham gia của phụ nữ. "Số phụ nữ trí thức của Việt Nam ngày càng lớn, phụ nữ là PGS. TS rất là đông. Phụ nữ làm lãnh đạo, là nữ tướng cũng nhiều. Đó là điều hãnh diện với phụ nữ Việt Nam. Rồi là phụ nữ đi làm lương ngang với nam giới. Điều này không phải nước nào cũng có, ngay cả những nước tiên tiến cũng có sự phân biệt".

Ngày 3/10/2023, Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 đã thảo luận vấn đề thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ. Phát biểu tại phiên thảo luận này, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã nêu bật những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Điều này khẳng định, Việt Nam quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với những chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn./.

H.Hà


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ