• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới về giảm nghèo

Thời sự 11/01/2021 16:09

(Tổ Quốc) - Sáng nay (11/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.

Việt Nam thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới” - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lao động xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế.

Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế.

Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020.

Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.

Ngành cũng đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, đời sống người có công được nâng lên; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh; đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công trong diện hộ nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020; thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”.

Việt Nam thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới” - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lao động xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Với nhiều mảng công việc và nhiều lĩnh vực nhưng ngành đã phối hợp với các Bộ, ngành làm tốt các lĩnh vực, tham mưu với Chính phủ có những kiến nghị, chính sách phù hợp, đặc biệt trong các lĩnh vực về giảm nghèo, người có công, lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp…

Trong năm 2020, ngành Lao động-Thương binh -Xã hội đã có nhiều đổi mới, đặc biệt việc xác nhận hồ sơ người có công, thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Mặc dù chưa giải quyết hết được khó khăn cho người yếu thế nhưng phần nào giúp người dân giải quyết khó khăn trước mắt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong kết quả xóa đói giảm nghèo, giữ ổn định, tăng thêm lòng tin của người dân có nhiều đóng góp của các tổ chức xã hội, những tấm lòng thiện nguyện.

Với vai trò là cơ quan điều phối, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội để trở thành mạng lưới giúp những chính sách nhân văn đến gần với người dân hơn./.

Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ: “Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Về mục tiêu chung năm 2021, bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.


Bảo Trân (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ