(Tổ Quốc) - Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank) năm 2018, Việt Nam đứng thứ 48/115 nước về chỉ số về vốn con người, đánh giá trong khoảng thời gian 5 năm từ 2012-2017, chỉ số này của Việt Nam đã tăng từ 0.64 lên 0.67.
Đây là thông tin được đề cập trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ với Giám đốc World Bank tại Việt Nam Ousmane Dione hôm 14/2. Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi một số nội dung hai bên cùng quan tâm triển khai trong năm 2019 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung vào Dự án nguồn vốn con người và chương trình trao đổi tri thức mà World Bank đang triển khai.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai bên (ảnh: Moet)
Dự án nguồn vốn con người World Bank đang triển khai có sự tham gia của 46 quốc gia. Dự án tập trung xem xét mối quan hệ giữa con người và lực lượng lao động nhằm thúc đẩy đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn vào nguồn vốn con người trên toàn cầu.
Trong đó, một trong những mục tiêu chính của Dự án là nhằm thúc đẩy chỉ số về vốn con người (năng suất toàn diện của người lao động Việt Nam), chỉ số được World Bank đưa ra và công bố lần đầu vào năm 2018, gồm tất cả các thông số nêu lên khả năng tích lũy trong cả cuộc đời của một người, bao gồm tri thức, kỹ năng và tình trạng sức khỏe, những thứ cơ bản để họ có thể được coi là một thành viên có đóng góp trong xã hội.
Dự án cũng hướng tới việc mở rộng các nghiên cứu trong giáo dục và y tế nhằm tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư vào vốn nhân lực, tạo động lực cho hành động và đẩy mạnh nhu cầu đầu tư vào con người. Từ đó, thúc đẩy sự cam kết và tham gia của các quốc gia nhằm giải quyết các rào cản đối với sự phát triển vốn nhân lực.
Với các điều kiện hiện tại, Việt Nam có thể tham gia vào dự án này nhằm cải thiện chất lượng nguồn vốn con người mà trong đó, Bộ GDĐT là cơ quan trọng yếu để phát triển nguồn vốn con người tại Việt Nam và sẽ là đầu mối quan trọng để triển khai dự án. Liên quan tới các vấn đề đề cập trong dự án này, Bộ GDĐT cho biết, hiện Bộ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành gắn với chỉ số phát triển con người nên đề nghị World Bank hỗ trợ để Bộ hoàn thành cơ sở dữ liệu này và hỗ trợ để Việt Nam có điều kiện đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục khuyết tật.
Bộ cũng ủng hộ chương trình trao đổi tri thức đang được World Bank triển khai và mong muốn sự tham gia tích cực từ phía Việt Nam nhằm trao đổi những kinh nghiệm giáo dục của Việt Nam với các trên thế giới, ngược lại các nước cũng được chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển giáo dục của họ.