• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD

Kinh tế 04/12/2018 15:45

(Tổ Quốc) - Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn.

Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018 - Ảnh VGP

Đó là ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng bày tỏ cảm nhận "ngọn lửa nhiệt huyết trong các doanh nghiệp vẫn không ngừng cháy bỏng". Bên cạnh những gương mặt thân quen là những gương mặt mới, không chỉ những doanh có mặt tại Diễn đàn mà còn là một cộng đồng rộng lớn hơn với gần 700.000 doanh Việt Nam chưa có điều kiện tham dự hôm nay.

"Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa", Thủ tướng nói và cho biết, ông đã lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình. Bao trùm lên tất cả là những tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam.

Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tất cả ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.

Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh VGP

Mặc dù nền kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều thách thức bởi những căng thẳng thương mại…nhưng nhưng Thủ tướng tin tưởng rằng với sự lạc quan của những người ủng hộ toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, chúng ta vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.

Chính trong dòng chảy đó, nền kinh tế của chúng ta tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Nhiều mặt hàng nông sản giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, cá basa… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi,… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… "Mỏ vàng nông nghiệp" tiềm năng chưa được khai thác hết sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn mà Việt Nam trông đợi.

Thủ tướng cũng cho rằng, trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi DN không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng có, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể thành công.

Mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số hay các tiến bộ công nghệ được xem là dòng chính quyết định các xu hướng phát triển của nhân loại trong thế kỷ này, nhưng những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, là thứ làm nên sự khác biệt, là cội nguồn sức mạnh tinh thần, là giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế./.

Thành Trung (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ