• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam 'lọt mắt xanh' của Apple

Kinh tế 26/05/2022 13:39

(Tổ Quốc) - Tờ Wall Street Journal đưa tin, Apple đang tìm cách tăng cường sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến phát triển tại Ấn Độ và Đông Nam Á.

Hiện tại, gã khổng lồ công nghệ dường như đang thúc giục các đối tác sản xuất của mình xem xét chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh quá trình chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc diễn ra quá dài và nghiêm ngặt. Khi hàng trăm triệu người bị phong tỏa kéo dài và hạn chế đi lại, các công ty sản xuất cho Apple cũng đã bị chậm tiến độ. Apple đã cảnh báo vào tháng 4 rằng quá trình chống dịch Covid-19 hiện tại có thể khiến doanh số bán hàng của họ bị giảm tới 8 tỷ USD trong quý hiện tại.

Tờ Wall Street Journal viết: Apple từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Quốc với phần lớn - hơn 90% - trong lĩnh vực sản xuất của mình. Các nhà phân tích cho biết sự phụ thuộc quá nhiều của Apple vào Trung Quốc là một rủi ro tiềm tàng với họ vì sự mâu thuẫn leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra không chỉ trong kinh tế mà ngày càng lan rộng.

Một tỷ lệ nhỏ các sản phẩm của Apple đang được sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam. Và theo các nguồn tin của Wall Street Journal, trong đó có những nguồn tin thân cận với các cuộc đối thoại liên quan, nói rằng cả Ấn Độ và Việt Nam đều được coi là điểm đến tiềm năng cho Apple trong việc tăng cường sản xuất.

Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận về thông tin trên. Còn khi được hỏi về chuỗi cung ứng của Apple vào tháng 4, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết: "Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự mang tính toàn cầu và vì vậy các sản phẩm được sản xuất ở khắp mọi nơi. Và chúng tôi tiếp tục xem xét việc tối ưu hóa."

Việc Apple tách khỏi Trung Quốc có thể chỉ là bước khởi đầu

Nếu thông tin trên là chính xác, việc Apple tái cân bằng chiến lược và rời khỏi Trung Quốc có thể khiến các công ty công nghệ khác làm theo.

Việt Nam 'lọt mắt xanh' của Apple - Ảnh 1.

Apple đang muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Ảnh: QZ.

Theo dữ liệu gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một hiệp hội thương mại có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc đang chứng kiến sự sụt giảm liên tục trong đầu tư nước ngoài, với dòng chảy đầu tư ra ngoài đạt 17,5 tỷ USD chỉ trong tháng 3. IIF gọi sự thay đổi này là một điều "chưa từng có" và chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Các thị trường mới nổi khác không gặp phải phản ứng tương tự từ các nhà đầu tư trong đại dịch Covid-19, hiệp hội trên cho biết.

Việc Trung Quốc từ chối chỉ trích Nga về cuộc xung đột Ukraine cũng là một lý do khác khiến các nhà đầu tư và các công ty Mỹ lùi bước khỏi đất nước này. Một số nhà phân tích chính trị thậm chí còn lo ngại về tình hình căng thẳng sẽ bùng lên giữa Trung Quốc và Đài Loan, theo sau xung đột Nga – Ukraine.

Trong khi đó, mục tiêu kiên quyết của quốc gia này trong việc theo đuổi chiến lược "Zero Covid" cũng đã và đang dấy lên nhiều lo ngại về hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc. Các hạn chế đi lại của Trung Quốc đã khiến Apple phải hạn chế cử các giám đốc điều hành và kỹ sư đến nước này trong hai năm qua và điều này khiến việc kiểm tra các địa điểm sản xuất trở nên khó khăn.

Việc mất điện năm ngoái cũng làm giảm uy tín của Trung Quốc về độ tin cậy. Ming-chi Kuo, một nhà phân tích chuỗi cung ứng tại TF International Securities, cho biết: Trong khi nhiều công ty phương Tây cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự ở Trung Quốc, quy mô của Apple mang lại cho hãng lợi thế khi thương lượng với các nhà thầu.

Bên cạnh Apple, các công ty lớn như Starbucks, Dupont và Estée Lauder đều cho rằng quá trình phong tỏa kéo dài là nguyên nhân dẫn đến các trở ngại hoạt động và doanh số bán hàng chậm hơn của họ tại thị trường Trung Quốc, theo CNBC. Trước đại dịch Covid-19, Apple cũng từng có định hướng chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vì họ phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị.

Không kỳ vọng một sự thay đổi mạnh mẽ và ngay lập tức

Bất chấp nhiều lý do khiến Trung Quốc có vẻ kém hấp dẫn hơn đối với các công ty Mỹ, một số nhà phân tích cho rằng không nên kỳ vọng vào một sự thay đổi mạnh mẽ hoặc nhanh chóng.

Tờ Wall Street Journal đã nhấn mạnh rằng Apple mất nhiều thập kỷ để xây dựng các trung tâm lắp ráp và các mối quan hệ của mình ở Trung Quốc, nơi họ có quyền tiếp cận với nguồn nhân lực lành nghề và cơ sở hạ tầng vững chắc. Ngoài ra, cũng như các công ty có trụ sở tại Mỹ khác, việc sản xuất các sản phẩm ở Trung Quốc giúp Apple dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ của Trung Quốc hơn.

Nick Marro, chuyên gia hàng đầu về thương mại toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit, gần đây đã nói với CNBC: "Đa dạng hóa chuỗi cung ứng khá phức tạp vì mọi người luôn nói về nó và các phòng họp thích thảo luận về nó. Tuy nhiên, đến cuối cùng, mọi người đều thấy nó khó thực hiện. "

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ