(Tổ Quốc) - Theo báo cáo, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao. Bộ Y tế đang kêu gọi tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá.
Những kết quả đáng ghi nhận
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, với quyết tâm dành quyền ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 và Bộ Y tế là cơ quan được Quốc hội và Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ban ngành và các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo Bộ trưởng Y tế, sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thuốc lá, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ban hành kịp thời, đẩy đủ, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Phòng chống tác hại thuốc lá; Mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc; Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai trên toàn quốc...
Hoạt động tổ chức cai nghiện thuốc lá được duy trì và đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm ở cả người trưởng thành và trong thanh thiếu niên, từ từ hơn 54% xuống còn gần 39%, bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá của thuốc lá.
Bà Đỗ Thị Lan - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, công tác phòng chống thuốc lá đã được các cấp, các ngành hưởng ứng tích cực. Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã quản lý, điều phối 1.413 tỷ đồng của quỹ và gần 40 tỷ nguồn tài trợ của các tổ chức thế giới, các địa phương bố trí gần 15 tỷ đồng thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
;Trong thời gian tới, Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan trọng tham mưu với Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế, giám sát, tham gia quyết định vấn đề liên quan phòng chống tác hại thuốc lá và quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, sẽ tiếp tục giám sát, khảo sát nội dung này để Luật đi vào cuộc sống góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Chúc mừng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế đã giảm thiểu sử dụng thuốc lá ở cả người lớn và thanh thiếu niên, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay: "Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm từ khoảng 47% năm 2010 xuống còn 41% năm 2021. Và việc sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi đã giảm gần một nửa từ năm 2015 đến năm 2019, với tỷ lệ giảm từ gần 6% xuống dưới 3%. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ".
Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng cho thấy, thành công trên là bước đầu. Hoạt động của Ban chỉ đạo về Phòng chống tác hại thuốc lá tại nhiều tỉnh, thành phố và cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo.
Tỷ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc.
Tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán bar và một số nơi tập trung đông người. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa với các chiêu thức quảng cáo qua các kênh trên mạng xã hội, do đó việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh... Cuộc chiến với thuốc lá vẫn đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân...
Để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ Y tế kêu gọi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về phòng chống tác hại thuốc lá, như: thường xuyên truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng thuốc lá; thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá; tiếp tục ủng hộ việc tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá,… để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.
Đồng thời Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống tác hại của thuốc lá;
"Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành Nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá" - Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ./.