• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam sau 4 năm tham gia công ước Berne: Vi phạm bản quyền không giảm

29/10/2008 09:26

Tròn 4 năm (26.10.2004 – 26.10.2008), Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Tuy vậy, theo nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền âm nhạc Việt Nam, “con số vi phạm bản quyền tác giả vẫn xảy ra theo cấp số nhân”.

Tròn 4 năm (26.10.2004 – 26.10.2008), Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Tuy vậy, theo nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền âm nhạc Việt Nam, “con số vi phạm bản quyền tác giả vẫn xảy ra theo cấp số nhân”.

Vi phạm ngày càng tinh vi

Khi chưa tham gia Công ước Berne, Việt Nam từ chối bảo hộ bản quyền tác giả các tác phẩm mang yếu tố nước ngoài. Từ ngày ký kết điều luật mới, các NXB Việt Nam không còn được  tự do "xài chùa". Tuy vậy, số vụ vi phạm vẫn không ngừng gia tăng. 

Dù sự kiện Việt Nam gia nhập công ước Bern trở thành đòn bẩy cho người dân nước ta học tập kinh nghiệm quản lý quốc tế, nhưng thực tế vi phạm bản quyền âm nhạc, biểu diễn sai quy định, sao chép tranh trái phép, in lậu sách và băng đĩa… vẫn gây nhiều tranh cãi. Một đại diện Thanh tra Bộ VH, TT và DL cho biết: “Rất khó thống kê những vụ vi phạm. Hàng năm, số vụ phải xử lý thường tăng gấp đôi”.

Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, vượt qua sự kiểm soát và các chế tài xử phạt của luật pháp Việt Nam. Số vụ vi phạm trong nước ngày ngày vẫn xếp hàng chờ phân xử, còn trường hợp vi phạm vượt khỏi biên giới Việt Nam hầu như trở nên vô vọng. Mới đây, họa sỹ Bùi Thanh Phương (con trai danh họa Bùi Xuân Phái) tuyên bố kiện ra tòa án Pháp nếu Hãng Sotheby’s (hãng đấu giá danh tiếng tại Pháp) tiến hành bán đấu giá 5 bức tranh của cha ông (trong đó có 4 bức giả). Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm Hoàng Đức Toàn cho rằng, việc kiện một tổ chức hay cá nhân nước ngoài vi phạm bản quyền chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. “Vì thế nếu xảy ra, người có tác phẩm bị xâm hại phải tự đứng lên bảo vệ mình, cơ quan chức năng không đi làm việc đó”, ông Toàn tuyên bố. Bàn chuyện làm thế nào để ngăn chặn nạn “chảy máu thông tin”, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Vũ Ngọc Hoan cho rằng: “Đây là vấn đề đau đầu của nhà quản lý nhiều quốc gia chứ không chỉ Việt Nam”.

Vạch áo cho người xem lưng?

Nhạc sỹ Phó Đức Phương nhận định, giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền tại Việt Nam là việc khó khăn và gian truân. “Đây là vấn đề xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Có đến hàng tỷ trường hợp mà chúng tôi chưa đấu tranh được, rất bức xúc”. 

Điều ngạc nhiên là, cứ khi nào gặp khó khăn về vấn đề bảo hộ bản quyền, là khi đó các cơ quan chức năng lại đá quả bóng trách nhiệm cho nhau. Với vụ vi phạm xuyên tạc, đạo lời của FPT mới đây, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đẩy trách nhiệm cho Cục Bản quyền và Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam. Còn Trung tâm và Cục lại chọn cách đẩy trách nhiệm cho cơ quan xử lý hành chính là Thanh tra Bộ và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Sau 4 năm tham gia Công ước Berne, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Ngọc Cường vẫn không ngần ngại khi nói rằng, Việt Nam đang “vạch áo cho người xem lưng”. Theo ông Cường, vi phạm bản quyền là một vấn đề bức xúc ở khá nhiều nước trên thế giới, nhưng đó chỉ là bước đệm trong tiến trình phát triển. “Còn tại Việt Nam, luật pháp do chính bản thân con người tạo ra, vậy mà khi xử lý thì ai cũng chọn cách tránh né, sợ hãi nếu phải giải quyết khiếu kiện”. 

Vạch ra những quyền lợi của Việt Nam khi tham gia Công ước Berne, ông Vũ Ngọc Hoan cho rằng, động thái này chứng tỏ Việt Nam đồng ý cam kết với quốc tế về việc bảo hộ quyền các tác giả nước ngoài ở Việt Nam, và ngược lại quyền tác giả của các tác giả Việt Nam cũng được tôn trọng ở nước ngoài. Chưa kể, việc gia nhập vào các sân chơi thế giới cũng là một điều kiện để Việt Nam tiếp tục được mời gọi vào những công việc toàn cầu của WTO. Trước nghi ngờ, phải chăng Việt Nam “bó tay” với nạn vi phạm bản quyền, ông Hoan cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan khiến hiện tượng này vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo. Những cơ sở pháp lý bảo vệ quyền tác giả chưa hoàn thiện, chưa kể các biện pháp kỹ thuật không đáp ứng nổi yêu cầu. “Sự phát triển quá nhanh của internet vượt quá khả năng lường trước của những người làm luật”.

Theo NĐB

NỔI BẬT TRANG CHỦ