• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng CPTPP vào năm 2026 và Phó Chủ tịch CPTPP vào năm 2025 và 2027

Kinh tế 20/01/2019 11:47

(Tổ Quốc) - Theo tuyên bố chung của các Bộ trưởng, từ năm 2020 chức danh Chủ tịch Hội đồng CPTPP sẽ do các nước thành viên đảm nhận luân phiên trong thời gian 1 năm. Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng CPTPP vào năm 2026 và Phó chủ tịch hội đồng là Australia.

Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng CPTPP vào năm 2026 và Phó Chủ tịch CPTPP vào năm 2025 và 2027  - Ảnh 1.

(Nguồn: TG&VN)

Hôm qua (19/1), Bộ trưởng 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tham dự phiên họp đầu tiên của Hội đồng CPTPP tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 19/1.

Đây là phiên họp đầu tiên của hội đồng này từ khi CPTPP có hiệu lực từ 30/12/2018.

Đoàn Việt Nam dự phiên họp gồm đại diện của các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu.

Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP. Các Bộ trưởng cũng đã thông qua 4 quyết định quan trọng về thực thi hiệp định này, như cơ chế hoạt động của Hội  đồng CPTPP; quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp các nước thành viên mới; quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà nước và bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước.

Về cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP. Nội dung cơ bản của Quyết định này nêu rõ: Các nước thành viên CPTPP thống nhất sẽ bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng CPTPP với nhiệm kỳ 01 năm bắt đầu từ năm 2020.

Vai trò Chủ tịch Hội đồng sẽ được luân phiên giữa các thành viên theo thứ tự phê chuẩn Hiệp định. Hỗ trợ cho Chủ tịch Hội đồng CPTPP là hai Phó Chủ tịch (là Chủ tịch của nhiệm kỳ trước đó và Chủ tịch của nhiệm kỳ tiếp theo).

Căn cứ nguyên tắc này, Chủ tịch Hội đồng CPTPP từ năm 2020 sẽ bắt đầu từ Mehico, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Newzeland, Canada, Australia và Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng CPTPP vào năm 2026 và Phó Chủ tịch CPTPP vào năm 2025 và 2027.

Riêng năm 2019 do được coi là giai đoạn chuyển tiếp của việc đưa Hiệp định vào thực thi nên các nước đã nhất trí cử Nhật Bản làm Chủ tịch Hội đồng CPTPP.

Ngoài ra, các nước cũng thống nhất rằng trong năm 2019, những nước chưa phê chuẩn Hiệp định vẫn có thể tham gia các phiên họp của Hội đồng, các phiên họp cấp Trưởng đoàn, các Ủy ban chuyên môn và Nhóm công tác đàm phán kết nạp thành viên mới, nếu có.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ