Đoàn Bộ Công an Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu, ngày 15/12, đã có các buổi làm việc với lãnh đạo Viện nghiên cứu và tư vấn về quản trị Malik, có trụ sở tại thành phố St.Gallen (Thụy Sĩ).
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành (trái) trong buổi làm việc với lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Tư vấn về quản trị Malik. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành và giáo sư, tiến sỹ Fredmund Malik, Chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu và tư vấn về quản trị Malik, đã trao đổi về những thách thức lớn mà Bộ Công an Việt Nam đang phải đối phó trong bối cảnh hội nhập.
Thứ nhất, những vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận thuần túy.
Thứ hai, bắt nguồn từ sự bùng nổ của mạng Internet, xuất hiện các loại tội phạm công nghệ cao đột nhập, tấn công vào nhiều mục tiêu trên toàn thế giới, xâm nhập hệ thống dữ liệu của nhiều công ty, tập đoàn, các tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ để đánh cắp các dữ liệu, tài sản trí tuệ, bí mật quốc gia... gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và thách thức về an ninh quốc gia.
Cuối cùng, thách thức liên quan đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra với quy mô và tốc độ phát triển cao, tích hợp rất nhiều lĩnh vực, với đặc trưng là công nghệ robot, điều khiển học liên kết trong thế giới thực và thế giới ảo, tác động đến các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của mỗi nước.
Cuộc cách mạng này đòi hỏi lực lượng Công an Việt Nam cần nhạy bén, đổi mới và tiếp cận những công nghệ mới, phương pháp quản lý thông minh, áp dụng các phương pháp, công cụ tiên tiến trong quản lý, chiến đấu và đào tạo, để đáp ứng yêu cầu mới của công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
Hai bên đã thảo luận về một số hướng phát triển quan hệ, trong đó có việc áp dụng phương pháp “Điều khiển học hệ thống” mang tên Malik - cho phép đưa ra kết quả nhanh nhất và bền vững nhất, đặc biệt trước các biến đổi sâu rộng trong thời đại hiện nay- trong công tác cảnh sát, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm môi trường và các loại tội phạm mới.
Giáo sư, tiến sỹ Fredmund Malik, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu và Tư vấn về quản trị Malik (bên trái) giới thiệu về Viện Malik với Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an (giữa). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
Trước mắt phương pháp “Điều khiển học hệ thống” dự kiến sẽ được triển khai thí điểm áp dụng tại Học viện Cảnh sát nhân dân, với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cảnh sát, xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về việc áp dụng phương pháp “Điều khiển học hệ thống Malik” vào công tác dự báo chiến lược, nghiên cứu nghiệp vụ trong lực lượng công an.
Tại Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã phối hợp với Viện nghiên cứu và tư vấn về quản trị Malik xây dựng đề tài “Xây dựng mô hình Hải Phòng-thành phố phát triển bền vững thông qua mô hình quản lý dựa vào phương pháp Tư duy hệ thống.”
Viện nghiên cứu Malik do giáo sư, tiến sỹ Fredmund Malik thành lập năm 1984, là một trong những tổ chức hàng đầu thế giới về khoa học quản lý hệ thống và điều khiển học, quản trị và lãnh đạo.
Viện có nhiều thành công trong việc đào tạo và tư vấn về quản lý, lãnh đạo, phát triển chiến lược cho các cơ quan chính phủ của nhiều quốc gia như Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ... Viện Malik cũng đã tham gia tư vấn có hiệu quả cho nhiều công ty và các tập đoàn lớn trên thế giới./.