• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam ứng biến linh hoạt, mạnh mẽ, đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế

Thời sự 03/10/2021 11:05

(Tổ Quốc) - Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của Covid là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid- 19. Hiện cả nước đang gồng mình chống lại đợt dịch thứ 4. Sự biến thể của virut gây bệnh khiến đợt dịch thứ 4 lan rộng, dữ dội, khó lường và tổn thất nặng hơn đợt dịch trước. Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới phải căng mình chống dịch suốt hai năm qua.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế, xã hội của các nước trên khắp toàn cầu. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức, Nhật Bản… đều đối mặt với suy thoái và những đánh giá là "tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua" . Trong làn sóng ấy, Việt Nam cũng không thể ngoại lệ, không thể không chịu những ảnh hưởng nặng nề. Với sự chỉ đạo chủ động, kiên quyết của Bộ Chính trị, sự điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã khống chế thành công, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong 3 đợt dịch đầu, Việt Nam được thế giới đánh giá là kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, giữ số ca mắc và tử vong ở mức thấp hơn nhiều so với các quốc gia. Đơn cử như đến 23/1/2021, thời điểm 1 năm sau khi dịch Covid-19 xâm nhập, tổng số ca mắc Covid-19 trên 1 triệu dân ở Việt Nam giữ ở con số 16; và tổng số ca tử vong trên 1 triệu dân là 0,4. Đây là những con số thấp nhất trong số 5 quốc gia có trên 90 triệu dân. Và những đợt dịch bùng phát hồi đầu năm nay ở Hải Dương hay giữa năm Bắc Giang qua đi, người dân lại càng thêm vững tin vào những quyết sách chống dịch của Đảng, Nhà nước.

Việt Nam ứng biến linh hoạt, mạnh mẽ, đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - Ảnh 1.

ảnh: Nam Nguyễn

Cách chống dịch được thay đổi linh hoạt, phù hợp với diễn tiến để thích ứng với các biến chủng mới của nCoV. Từ việc truy đuổi để tìm nguồn lây khi xuất hiện các trường hợp mắc Covid-19, cách ly rộng ở phạm vi toàn quốc, phạm vi một tỉnh, huyện chuyển sang thực hiện ở phạm vi hẹp ở cấp độ thôn, xã; Từ cách ly và cách ly tập trung quy mô lớn tới hàng nghìn người để ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng; từ phong tỏa, khoanh vùng, chúng ta đã có nhiều thay đổi: khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp làm giảm tác động đối với địa phương khác…

Những thay đổi, ứng biến linh hoạt ấy đã giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội khiến thế giới ấn tượng: GDP năm 2020 tăng 2, 91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch covid- 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội thì mức tăng trưởng này thuộc nhóm cao nhất thế giới. Và GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%... Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế , phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Và hiện giờ, nhiều tỉnh thành trong cả nước đang trải qua đợt dịch thứ 4, đợt dịch tàn khốc và nặng nề nhất. Chủng Delta- với tốc độ tấn công tăng gấp 2, 3 lần các đợt dịch trước - của virus SARS-CoV-2 mà Việt Nam đang phải chống chịu đã xuất hiện tại gần 140 quốc gia trên thế giới (tính đến 15/8/2021). Các nước có tiềm lực kinh tế mạnh, y học phát triển như Anh, Mỹ… cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc khống chế biến chủng này. Các nước đều cảnh báo không thể chủ quan với chủng Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch.

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 này kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.

TP. HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả về kinh tế- xã hội khi phải liên tiếp áp dụng các biện pháp siết chặt, phong tỏa để tầm soát, xét nghiệm. Sản xuất, giao thương ở một đô thị lớn nhất nước, một đầu tàu kinh tế có mối liên hệ mật thiết với khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long bị ngưng trệ.

120 ngày giãn cách (tính từ ngày 31/5- 30/9), là quãng thời gian đặc biệt đối với chính quyền và người dân TPHCM: hàng nghìn điểm phong tỏa cứng, hàng trăm khu phố phải cô lập; hàng chục điểm cách ly tập trung, hàng chục bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người mắc Covid-19, thành lập các bệnh viện hồi sức tích cực để cứu bệnh nhân nặng; rồi đến xét nghiệm, tiêm chủng thâu đêm… Khi TP buộc phải siết chặt giãn cách, đây cũng là lúc cả hệ thống chính trị phải gồng mình thực hiện công tác chăm lo an sinh, chăm sóc y tế với muôn vàn khó khăn về nhân lực, vật lực: Lần đầu tiên TP phải thành lập Trung tâm an sinh, thực hiện hỗ trợ hơn 2 triệu gói an sinh cho người dân và chưa dừng lại. Thực hiện liên tục 3 gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho gần 10 triệu lượt người…

Còn tại Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, vắc xin thiếu, Thủ đô chấp nhận giãn cách gần 2 tháng để chung tay cùng cả nước "chia lửa" cho TP.HCM (hàng nghìn y bác sĩ và hàng tấn thiết bị y tế, hàng triệu liều vắc xin đã được đưa vào TP.HCM). Bởi việc phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ đơn thuần cho TP mà còn quyết định thành công của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một khu vực kinh tế năng động nhất cả nước. TP.HCM luôn nhận được sự hỗ trợ của Trung ương và các lực lượng tuyến đầu như: y tế, quân đội, công an và tình nguyện viên...

Việt Nam ứng biến linh hoạt, mạnh mẽ, đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Thần tốc tiêm phủ vắc xin cũng là một quyết định đúng đắn trong công tác chống dịch (ảnhh: Nam Nguyễnn)

Và cũng trong đợt dịch thứ 4 này, chúng ta thấy đã có rất nhiều quyết định khó khăn, cân não được đưa ra: việc thay đổi tháp điều trị từ 5 tầng xuống còn 3 tầng, việc tăng cường lực lượng quân đội, công an tới các điểm nóng để hỗ trợ các địa phương chống dịch… Tại một số địa phương, công tác chống dịch có vấp váp, có những quyết định ban hành chưa thật chuẩn xác trong bối cảnh chống dịch như chống giặc (việc cấp giấy đi đường ở Hà Nội, TP.HCM, việc tạm dừng hoạt động đội ngũ giao hàng, đi chợ hộ, bất cập của sản xuất ba tại chỗ…) đều sớm được chính quyền lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản biện và có những điều chỉnh kịp thời, hiệu quả, lấy sức khỏe của nhân dân, lấy nhiệm vụ chống dịch là mục tiêu số 1.

Sau thời gian triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; tiếp thu ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học; tham khảo các bài học quốc tế, từng bước hoàn thiện để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đã và đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta.

Chiến lược kiểm soát không có ca nhiễm tại cộng đồng đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong giai đoạn vừa qua. Nhưng thực tế với đợt dịch thứ 4 này cho thấy không thể tiếp tục mãi sự giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó là sẽ "mở cửa" dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch. Muốn vậy thì cần phải có vắc xin, thuốc chữa, tâm thế, kiến thức, có điều kiện cần và đủ để trang bị cho từng người dân là chiến sĩ để tự phòng chống dịch. Và hơn hết đó là sự chuyển biến trong các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong tình hình mới của dịch bệnh, nhất là với biến chủng Delta hiện nay, việc cần phải có các ứng biến và chiến lược phù hợp là hết sức cần thiết.

Hiện, với các nỗ lực nhằm tăng độ bao phủ vắc xin, tăng cường năng lực hệ thống y tế, Chính phủ thay đổi chiến lược theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19. Việc Chính phủ đã dành thời gian họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và 705 huyện, thị xã, thành phố trong cả nước về công tác phòng, chống dịch Covidd- 19; bàn giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covidd- 19. Đặc biệt, thảo luận xây dựng hướng dẫn tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với lộ trình, phạm vi, quy mô, mức độ phù hợp nhất có thể để các địa phương áp dụng là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển biến này.

Việt Nam ứng biến linh hoạt, mạnh mẽ, đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Thời điểm này số ca khỏi bệnh được ra viện ngày càng tăng, số ca tử vong cũng giảm rõ rệt (ảnhh: Nam Nguyễn)

Đến thời điểm này, tình hình tại các điểm nóng dịch Covid -19 như TP.HCM, Bình Dương… đã tạm ổn. Số ca khỏi bệnh được ra viện ngày càng tăng, số ca tử vong cũng giảm rõ rệt. Các địa phương đã bắt đầu triển khai từng bước mở lại các hoạt động kinh tế, xã hội trong điều kiện bình thường mới và kiên trì tư duy không chủ quan, mất cảnh giác, mở cửa từng bước chắc chắn, tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta có được thành quả hiện nay và đang chuẩn bị cho chuyển trạng thái thích ứng an toàn là do những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt mấy tháng qua của toàn Đảng, toàn dân, nhất là ở các địa phương đã từng là điểm nóng dịch bệnh với phương châm chống dịch nhất quán, đó là sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trước hết và trên hết.

Và những động thái đó của các cấp chính quyền khiến người dân, cộng đồng doanh nghiệp thêm tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong chống dịch và phát triển kinh tế. Một thông tin rất vui đó là theo dữ liệu được cập nhật ngày 2/10 của The Global COVID-19 Index (GCI), Chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam tăng liên tục, xếp thứ 4 Asean. Việt Nam hiện đứng thứ 83/180 quốc gia về khả năng phục hồi trong đại dịch COVID-19. Bảng xếp hạng GCI cũng so sánh mức độ phục hồi của Việt Nam với một số quốc gia có sự tương đồng về mật độ dân số. Theo đó, chỉ số phục hồi của Anh hiện là 50,22/100 điểm, thấp hơn Việt Nam. Còn Hàn Quốc là 76,94/100 điểm, cao hơn Việt Nam gần 20 điểm. Hai quốc gia này đều là nước có thu nhập đầu người cao trong khi Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp.

Xin được trích lời của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 đặt tại Bình Dương để kết cho bài viết này: "Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của Covid là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai".

Thái Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ