Việt Nam vươn lên trên đôi cánh sức mạnh mềm - Bài 1: "Định vị thương hiệu"
Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước chúng ta tự hào vì đã tạo dựng nên một nền văn hóa đa dạng và độc đáo mang bản sắc và cốt cách riêng của dân tộc.
LTS – Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng và hun đúc nên một nền văn hóa Việt Nam vô cùng độc đáo, đặc sắc, đa dạng và phong phú mang cốt cách, tâm hồn Việt. Đó chính là sức mạnh mềm là "tấm giấy thông hành", là "căn cước" để chúng ta tự tin hội nhập cùng thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử đầy thăng trầm, Việt Nam đã biết vận dụng và tận dụng sức mạnh mềm một cách linh hoạt, sáng tạo... để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải có chiến lược phát triển văn hóa, sức mạnh mềm như thế nào?
Qua loạt bài "Việt Nam vươn lên trên đôi cánh sức mạnh mềm", Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lý giải thật sâu sắc và biện chứng vấn đề này.
Thuật ngữ "sức mạnh mềm", "Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam" lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó Văn kiện khẳng định: Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam chính là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Sức mạnh mềm được kết tinh trong những phẩm giá của con người Việt Nam, trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú của 54 dân tộc anh em…
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã yêu cầu: "Khẩn trương… xác định và phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam… từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới…".
Trước đó, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành "nền tảng tinh thần" là "động lực phát triển" và soi đường cho quốc dân đi…. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là hồn cốt dân tộc", "văn hóa còn thì dân tộc còn".
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, Đảng luôn chăm lo tới sự phát triển của văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Qua các Văn kiện, Nghị quyết, Đảng khẳng định: Văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, đột phá chiến lược, đặt phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Đảng định hướng: Phát huy giá trị của văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, xây dựng quốc gia văn hiến, anh hùng.
Thực tiễn đã chứng minh, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế còn nhiều khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, địch họa như Việt Nam, song nhờ biết phát huy sức mạnh mềm, xây dựng nền văn hóa hun đúc nên cốt cách, khí phách, bản lĩnh của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, đoàn kết, sáng tạo… đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những chiến thắng rạng rỡ, vẻ vang trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc bờ cõi, biên cương của Tổ quốc...
Lịch sử Việt Nam vẫn còn nhắc nhớ về những chiến thắng lừng lẫy năm châu của quân và dân Đất Việt. Một đất nước bé nhỏ nhưng đã ba lần đánh bại quân Nguyên Mông, đập tan xiềng xích 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, đánh đuổi siêu cường Mỹ hùng mạnh nhất thế giới… để giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Tại sao chúng ta lại có được những thắng lợi vang dội, đáng tự hào đến như vậy? Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"…
"Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!" đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của Văn hoá, sức mạnh mềm dân tộc! Có lẽ cũng chính vì thế mà dù cho hàng ngàn năm bị Bắc thuộc, gần trăm năm bị đô hộ... nhưng chúng ta vẫn không bị đồng hóa, bị nô dịch về văn hóa. Chúng ta vẫn giữ được bản sắc, văn hóa. Ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam vẫn được giữ gìn và tỏa sáng cho tới tận hôm nay.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó... Càng trải qua những mất mát đau thương do chiến tranh, chúng ta lại càng hiểu sâu sắc và thấm thía hơn những giá trị của hòa bình. Hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường lại càng được phát huy, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đất nước vượt qua khó khăn, bước vào thời kỳ dựng xây và phát triển. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, hiện Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, được khu vực và thế giới biết đến với những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực; thu nhập GDP hiện đang đứng trong tốp đầu khu vực ASEAN.
Giống như một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử, văn hóa - sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam được viết nên từ những bản hùng ca "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và kết tinh từ truyền thống "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo"... Có lẽ cũng vì thế nên đối với một đất nước mà "từ thuở còn nằm nôi" đã luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa, dịch bệnh…, "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" thì văn hóa "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "bầu ơi thương lấy bí cùng"… luôn hiện hữu trở thành nguồn sức mạnh vô tận giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng cả dịch bệnh, thiên nhiên dữ dằn nhất…
Mới đây thôi, câu chuyện về Covid 19, về Làng Nủ hay cơn bão số 3 Yagi - cơn bão thế kỷ đã cướp đi sinh mạng, cuộc sống yên bình và nhấn chìm biết bao nhiêu làng bản, tài sản… của nhân dân đã phần nào thêm khẳng định chân lý về sức mạnh mềm của người Việt. Trong nỗi mất mát đau thương vô tận của những làng quê bị bão, lũ nhấn chìm, tình người lại được sẻ chia và nhân lên gấp bội. Dù bị chia cắt do bão lũ, nhưng bà con nơi đây không đơn độc. Cả nước đều đồng lòng hướng về và làm điểm tựa vững chắc để nhân dân vùng lũ tiếp tục khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Người góp công, người góp của, tất cả cũng chỉ bởi hai tiếng "đồng bào", hai tiếng "dân tộc" thiêng liêng! Để "không ai bị bỏ lại phía sau", cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, căng mình chống dịch, khắc phục hậu quả, hồi sinh những "vùng đất chết"…
Được tiếp nối như một dòng chảy vô tận từ truyền thống đến hiện đại, tinh thần Việt, cốt cách Việt, khí phách Việt, văn hóa Việt… dường như luôn tiềm ẩn sâu sắc, lâu dài, bền bỉ trong huyết quản của mỗi con người, để mỗi khi đất nước gặp khó khăn, sức mạnh ấy lại được "đánh thức", thổi bùng lên và lan tỏa mạnh mẽ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia về (chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực về văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một sức mạnh mềm quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế.
Bàn về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Duy Bắc- Phó giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong một thế giới đa dạng về văn hóa, bản sắc quốc gia, bản sắc văn hóa của từng dân tộc có vai trò quan trọng trong việc phát triển và xây dựng đất nước từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, có hệ giá trị và bản sắc riêng, trải qua thăng trầm của lịch sử, không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Tuy nhiên trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, để tăng cường sức mạnh mềm, ngoài việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với điều kiện thực tiễn, lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với thể chế chính trị và nền tảng tinh thần của chế độ xã hội.
Trong vườn hoa đa sắc tộc của thế giới, để "hòa nhập" nhưng không "hòa tan", chúng ta phải có được bản sắc riêng, đặc biệt chúng ta phải có đủ "sức đề kháng" để thanh lọc và nhận diện những "luồng khí độc" cũng như âm mưu đồng hóa của các thế lực thù địch. Với một nền văn hóa vô cùng độc đáo, đặc sắc, đa dạng và phong phú mang cốt cách, tâm hồn Việt, đó chính là "mã định danh", là "tấm giấy thông hành", là "căn cước" để chúng ta tự tin hội nhập cùng thế giới.
Trong xu thế tất yếu hội nhập toàn cầu mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm những thách thức, đặc biệt là thách thức đối với công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thực tế hiện nay cho thấy một số thế lực cường quyền vẫn đang ra sức thực hiện âm mưu xâm lược, chuyển hóa chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa ở những quốc gia, dân tộc khác bằng "quyền lực mềm", khi việc sử dụng "quyền lực cứng" không thành công như mong đợi. Để chủ động đối phó với sự xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn hóa, bên cạnh triển khai nhiều giải pháp thiết thực, chúng ta cũng cần phải tăng cường "sức mạnh mềm" bằng chính sự độc đáo, riêng có trong bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc mình bởi văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.
Với hàng nghìn năm lịch sử đầy thăng trầm nhưng cũng vô cùng vẻ vang, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, được khu vực và thế giới biết đến với những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. "Thương hiệu" Việt Nam vẫn đang không ngừng được tỏa sáng với ngày càng nhiều các di sản được UNESCO vinh danh. Hiện Việt Nam có 68 di sản, danh hiệu được UNESCO công nhận. Những công trình văn hóa, những tác phẩm nghệ thuật, những bộ phim "Made in Vietnam"… liên tục được vinh danh trên các đấu trường quốc tế, đã phần nào định vị thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới; khẳng định chân lý về sức mạnh mềm trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Phải chăng sức mạnh mềm chính là chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa để Việt Nam vươn mình hội nhập sâu rộng cùng thế giới?
"Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã chỉ rõ: "Chúng ta phải đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa, coi văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng của sự phát triển bền vững. Văn hóa quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia".
Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt sau gần 40 năm đổi mới đã chứng minh việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước. Đánh giá về những thành tựu của văn hóa trong hơn 35 năm đổi mới, trong bài phát biểu Kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định " ... nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hoá, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung".
Có được những thành tựu to lớn đó là nhờ có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý sát sao của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và quảng đại quần chúng nhân dân, mà trực tiếp, nòng cốt là đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo, hiệu quả các Nghị quyết văn hóa trong các giai đoạn cách mạng khác nhau… Nhưng trên hết nguyên nhân cơ bản là chúng ta đã biết vận dụng và tận dụng linh hoạt, sáng tạo sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, biến nó thành nguồn lực và động lực quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam "cất cánh" trong tương lai.
>> Bài 2: Tạo sức bật đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
>> Bài 3 Khơi thông điểm nghẽn , tăng sức mạnh mềm từ đầu tư
>> Bài 4: Kỳ vọng vào "con đường sáng"
>> Bài 5: Vì một Việt Nam "cất cánh"