(Tổ Quốc) - Hơn nửa thế kỷ đi và viết, nhà báo Trần Mai Hạnh đã có nhiều tác phẩm đỉnh cao của sự nghiệp. Gần 80 tuổi nhưng dường như duyên nghiệp vẫn chưa thôi 'đeo bám' ông. "Viết và Đối thoại" tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa ra mắt độc giả.
Những tác phẩm báo chí và văn chương trong Viết và Đối thoại là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm báo, viết văn của Trần Mai Hạnh, từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngày hòa bình đầu tiên, những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây cấm vận, đến những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập.
Từ Viết và Đối thoại, người đọc có thêm một chiều cạnh để tìm hiểu quan điểm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh về nghề cầm bút như ông từng chia sẻ "Viết và Đối thoại có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tôi".
Bìa cuốn sách Viết và Đối thoại
Người đọc tìm thấy trong tác phẩm một nhà báo Trần Mai Hạnh dấn thân và trăn trở, canh cánh với nghề. Ông quan niệm: "Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác".
Theo ông, "Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết phải lựa chọn và đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, với sự đầu tư trí tuệ của người viết bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả". Do vậy, mỗi bài báo của ông đều phập phồng hơi thở cuộc sống, vấn đề đề cập tới được mổ xẻ dưới nhiều chiều cạnh, tầng nấc như một tiểu luận có chiều sâu khoa học và ý nghĩa xã hội.
Với ông, 'văn' và 'báo' dường như không có ranh giới rõ ràng. "Chất văn" và "chất báo" kết hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và hài hòa trong mỗi tác phẩm. Vì vậy, không chỉ các tác phẩm văn học, mà ngay cả khi đọc những bài báo, phát biểu, tham luận, trả lời phỏng vấn và đối thoại, người đọc vẫn cảm nhận được phẩm chất văn chương, hình ảnh, chi tiết được chọn lọc một cách ấn tượng trong sự diễn đạt mềm mại, có chiều sâu gây được hiệu ứng xúc động trong từng trang viết.
Nếu những bài trong cuốn Viết và Đối thoại với tác giả là những bài báo còn lưu dấu về những sự kiện, sự việc và cảnh ngộ con người đã trải qua một thời, thì với độc giả, nó cũng gợi nhớ được nhiều điều hữu ích.
Cuốn sách Viết và Đối thoại của tác giả Trần Mai Hạnh gồm hơn 100 tác phẩm, phần lớn được xếp theo trình tự thời gian trong gần 900 trang sách, được chia thành ba phần: Phần I: Báo chí; Phần II: Phát biểu - Tham luận - Đối thoại; và phần Phụ lục: Tác phẩm và Dư luận.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tư liệu trong việc cảm nhận, đánh giá các tác phẩm của tác giả Trần Mai Hạnh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cũng đã chọn những bài phân tích, đánh giá của các nhà phê bình, nhà văn, nhà báo tên tuổi để làm tăng thêm hàm lượng thông tin, giá trị và sức hấp dẫn của cuốn sách.
Chính nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cũng đã xúc động "bày tỏ sự hàm ơn tới các nhà báo, nhà văn với sự cảm thông, ưu ái đã viết về tôi và tác phẩm của tôi. Chính các bài viết, các cuộc phỏng vấn, đối thoại của các bạn đồng nghiệp dành cho tôi hiện diện không ít trong Viết và Đối thoại, đã làm nên diện mạo của cuốn sách này".
Tác phẩm ra mắt bạn đọc đúng vào dịp 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019) không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp trong chặng đường hơn nửa thế kỷ cầm bút của nhà báo Trần Mai Hạnh, mà nó còn có ý nghĩa như lời tri ân của chính tác giả với nghề báo, nghiệp văn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước ông đã dành gần hết cuộc đời của mình lao động, cống hiến.
Nhân dịp ra mắt cuốn Viết và Đối thoại, nhà báo Trần Mai Hạnh cũng "bật mí" sẽ sớm ra mắt bạn đọc cuốn tự truyện Sống đến bình minh và cuốn hồi ức Đi qua cái chết.