(Tổ Quốc) - Vietnam Airlines hiện đã "cạn kiệt" tiền mặt và cần hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.
Báo cáo nhấn mạnh, Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất từ Covid-19. Cụ thể, Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ 2019 và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Vietnam Airlines hiện đã triển khai dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt. Vietnam Airlines đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Với tình hình tài chính như hiện tại, trong thời gian tới nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con. Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Trước đó, Tổng giám đốc Vietnam Airlines trong một bức thư gửi tới nhân viên đã cho biết, hơn 50% người lao động toàn tổng công ty phải ngừng việc, toàn bộ người lao động phải giảm lương thậm chí cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Cùng với Vietnam Airlines, tình hình kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng sụt giảm mạnh. Tổng doanh thu quý 1/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Dự kiến cả năm, doanh thu ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch, lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.
ACV dự kiến kịch bản thị trường quốc tế tháng 5/2020 phục hồi dần một số đường bay Trung Quốc; còn đường bay Châu Âu, Hàn Quốc tạm dừng đến hết tháng 7/2020; các đường bay khác dự kiến từ tháng 8/2020 sẽ phục hồi dần nhưng chậm.
Với thị trường trong nước, ACV dự kiến từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2020 sản lượng trong nước tiếp tục giảm mạnh từ 60-70% và bắt đầu phục hồi từ tháng 6/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lịch học điều chỉnh nên khả năng sản lượng tăng đột biến trong đợt cao điểm hè như mọi năm sẽ không kỳ vọng.