(Tổ Quốc) - GS Phan Huy Lê - 1 trong 4 cây đại thụ của nền sử học Việt Nam đương đại, vừa qua đời trưa ngày 23/6, ở tuổi 84.
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng một số bạn bè đồng nghiệp của GS Phan Huy Lê, khoảng hơn một tuần trước sức khoẻ GS Phan Huy Lê bị suy giảm trầm trọng. Gia đình đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai thì các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh tim.
Trong quá trình chữa trị, đặt stent để thông mạch, GS Phan Huy Lê tiếp tục mắc thêm những vấn đề sức khoẻ liên quan đến bệnh phổi. Ông đã không thể qua khỏi cơn nguy kịch và từ trần hồi 13h6' trưa nay, 23/6.
GS Phan Huy Lê- một trong 4 đại thụ của nền sử học Việt Nam đương đại đã qua đời ở tuổi 84 (ảnh Vietnamnet) |
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23- 2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa trường Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1958, ông là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi.
Từ năm 1988 đến nay, ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội Sử học Việt Nam.
GS Phan Huy Lê cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa II (1990–1995), khóa III (1995–2000), khóa IV (2000–2005, khóa V (2005–2010) và khóa VI (2010-2015).
Năm 2000, ông được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”. Đến năm 2016, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học cho công trình Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận. Ông từng được Huân chương Độc lập hạng ba.
GS Phan Huy Lê là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.
Cùng với cố GS Trần Quốc Vượng, cố GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, Giáo sư Phan Huy Lê là một trong bốn nhà sử học Việt Nam nổi tiếng nhất trong giới sử học Việt Nam đương đại.