(Tổ Quốc) - Ngày 29/9, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở nghề truyền thống có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống năm 2023.
- 13.07.2022 Người Cơ Tu gìn giữ nghề truyền thống
Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, việc tổ chức hội nghị vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở nghề truyền thống có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống năm 2023 lần này ngoài việc vinh danh các nghệ nhân thì còn đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống của các DTTS trong thời gian qua.
Đồng thời, đề ra những giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện chính sách trong thời gian tới tốt hơn, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, có 06 nghệ nhân, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen và 23 nghệ nhân, cá nhân được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ năm 2023.
Được biết, tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 07 DTTS tại chỗ, gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre. Đồng bào các DTTS tại chỗ từ xa xưa đã hình thành, xuất hiện, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; trong đó, có các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm…Qua đó, tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo và nền tảng tinh thần vững chắc của đồng bào DTTS.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nói chung, nghề truyền thống các DTTS tại chỗ nói riêng. Số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên, từ 2.220 người (năm 2015) tăng lên 12.170 người (năm 2022).
Một số huyện đã hỗ trợ cho các nghệ nhân tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các Phiên chợ nông nghiệp sạch của huyện và các Hội chợ triển lãm, thương mại trong nước nhằm giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP; phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ tổ chức kênh bán hàng, tiêu thụ sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến… Nghề thủ công truyền thống đã và đang trở thành sản phẩm đặc trưng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân.