(Tổ Quốc) - Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch cộng đồng...
Tam Đảo là huyện miền núi nằm ở phía bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, có gần 92.900 người với 15 thành phần các dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42,5% dân số toàn huyện.
Những năm qua, huyện luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, phát huy phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm chú trọng, góp phần chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, huyện đã nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu; trong đó có làn điệu dân ca Soọng cô.
Loại hình âm nhạc này có lịch sử ra đời và phát triển gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng người dân tộc Sán Dìu.
Hiện Soọng cô đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát, thống kê, số trẻ em là người dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện không biết tiếng dân tộc mình chiếm hơn 60% và chỉ có 1% biết hát Soọng cô, nếu không có phương án bảo tồn và phát triển thì trong tương lai, loại hình nghệ thuật truyền thống này của đồng bào Sán Dìu sẽ có nguy cơ mai một.
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, các Câu lạc bộ Soọng cô tại các thôn, xóm của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đảo thường xuyên tổ chức những lớp học miễn phí cho trẻ em địa phương có yêu thích với loại hình nghệ thuật này. Các lớp học chỉ được tổ chức vào khoảng thời gian 3 tháng hè, để không làm ảnh hưởng tới quá trình học tập của các cháu.
Trên cơ sở Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" của tỉnh, Tam Đảo tập trung ưu tiên khai thác, phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong đời sống kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Soọng - cô. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác phục dựng lại một số mẫu nhà truyền thống và khôi phục, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Ngoài ra, Tam Đảo là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, dịch vụ, môi trường sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, huyện cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Vì vậy thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch cộng đồng tại các Tổ hợp làng văn hóa kiểu mẫu của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù.
Phấn đấu giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động từ các dịch vụ du lịch; trong số đó, có trên 300 lao động trực tiếp tại Làng văn hóa du lịch dân tộc Sán Dìu của xã.
Trong giai đoạn 2 (2026 - 2030), huyện Tam Đảo tiếp tục phát triển, mở rộng Làng văn hóa kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú, xã Đạo Trù theo nhu cầu thực tiễn.
Không chỉ thành phố Phúc Yên, huyện Tam Đảo, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo vừa giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vừa có thể phát triển du lịch.
Điển hình như xã Quang Yên, huyện Sông Lô khuyến khích các Câu lạc bộ Sình ca, múa dân gian duy trì hoạt động; đầu tư xây dựng homestay để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; phối hợp với các ngành chức năng phục dựng Lễ hội Xuống đồng vào tháng Giêng hằng năm… Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân ở thôn Tân Phú chuyển đổi ngành nghề truyền thống sang phát triển du lịch; phục dựng các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên tích cực triển khai kế hoạch phát triển du lịch homestay và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu nhằm khai thác tối đa lợi thế của khu di tích Thanh Lanh, Ngọc Bội, hồ Thanh Lanh và Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo…
Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 55.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét văn hóa riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, thể hiện qua tiếng nói, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...
Trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại hình nghệ thuật mới, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Qua đó, gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.