(Tổ Quốc) - Vĩnh Phúc tạm dừng các lễ hội, đóng cửa quán bar, karaoke từ 0 giờ ngày 3/8; Hưng Yên xây dựng và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở; Bế mạc Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" năm 2020 tại Hà Nội là những thông tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội: Tối 2/8, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, đã diễn ra Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND)" năm 2020.
Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần VI năm 2020 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức từ ngày 16/7-2/8/2020).
Tham gia Liên hoan có gần 1.000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 27 Nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Kịch nói.
Theo Ban tổ chức: Các vở diễn tham dự Liên hoan đã khai thác rất thật về đời sống, chiến đấu, lao động, học tập của người chiến sĩ CAND, đem đến cho người xem nhiều cảm xúc và để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng Thủ đô nói riêng, người yêu nghệ thuật sân khấu nói chung. Tham gia Liên hoan, các Nhà hát, đoàn nghệ thuật đã có sự đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu và có nhiều sáng tạo, khai thác nhiều góc khuất, sâu lắng của lực lượng CAND trên các lĩnh vực công tác, góp phần đưa hình ảnh người chiến sĩ CAND gần dân, gắn bó với nhân dân, làm cho nhân dân hiểu, tin tưởng, gần gũi hơn với lực lượng CAND, từ đó tham gia tích cực cùng lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tại buổi lễ Bế mạc, Ban tổ chức đã trao tặng 7 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc cho các vở diễn; trao tặng 59 Huy chương Vàng, 72 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao Giải Đạo diễn xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc; Nhạc sĩ xuất sắc. Giải diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND thuộc về diễn viên Ngô Lệ Quyên, vai "Thanh" trong vở "Bộ cảnh phục" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài ra, Ban tổ chức tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp, tổ chức Liên hoan
Hưng Yên: Những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, thể thao, văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, trước năm 2016, hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh Hưng Yên còn thiếu và yếu, chưa được đầu tư đồng bộ. Phần lớn thiết chế văn hóa cấp tỉnh được cải tạo lại từ những cơ sở cũ cho nên chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quy mô của một số trung tâm văn hóa cấp huyện nhỏ hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp. Toàn tỉnh mới có 32,3% số xã, 67,6% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Thực hiện Kết luận số 07- KL/TU, ngày 18/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có nhiều nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, nhiều thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư: Bảo tàng tỉnh Hưng Yên xây dựng mới với quy mô lớn, Thư viện tỉnh được cải tạo, nâng cấp; trung tâm văn hóa các huyện Kim Động, Tiên Lữ được xây dựng mới; trung tâm văn hóa các huyện Yên Mỹ, Phù Cừ, Ân Thi, Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Lâm được cải tạo, nâng cấp. Toàn tỉnh Hưng Yên xây dựng mới 66 trung tâm văn hóa xã, thị trấn; 147 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 118 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa (chiếm 73% tổng số xã, phường, thị trấn), 723 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (chiếm 87% tổng số thôn). 70% trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hiện bảo đảm tiêu chí về diện tích, quy mô, trang thiết bị theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điểm nổi bật trong quá trình xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là kết quả đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp tích cực về công sức, vật chất của nhân dân. Trong ba năm, từ 2017-2019, ngân sách tỉnh Hưng Yên đã đầu tư 123 tỷ đồng hỗ trợ 123 thôn, tổ dân phố xây dựng mới nhà văn hóa; các huyện, thị xã trong tỉnh đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho trung tâm văn hóa cấp huyện và hỗ trợ địa phương để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và trang thiết bị nhà văn hóa; các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị cho trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao các thôn. Các địa phương trong tỉnh huy động hơn 50 tỷ đồng để xây dựng, trang thiết bị nhà văn hóa thôn từ nhân dân, con em xa quê thành đạt, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Thiết chế văn hóa hiện có trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đáp ứng một phần chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, quê hương.
Vĩnh Phúc: UBND tỉnh vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo Công văn nêu rõ: Tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp; trong nước số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm; chủng vi rút mới có độc lực cao, khả năng lây nhiễm nhanh…Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 3.500 trường hợp từ Đà Nẵng trở về, nguy cơ xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục đề cao trách nhiệm, coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng, hướng dẫn, khuyến cáo phòng, chống dịch.
Kích hoạt lại các các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng.
Tạm dừng các hoạt động karaoke, vũ trường, massage, quán bar, các lễ hội tập trung đông người trên địa bàn tỉnh từ 0 giờ ngày 3/8/2020 cho đến khi có thông báo mới.
Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động trên địa bàn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như bố trí nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt khách đến, đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc. Các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tích cực đổi mới cách làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, học tập, làm việc, giải quyết thủ tục hành chính…nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đến 28/7/2020 và các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế để tiến hành ngay việc cách ly y tế theo quy định.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh, kịp thời tham mưu, đề xuất và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng mức độ nguy cơ. Chủ động xây dựng và tham mưu xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đảm bảo sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, vật tư, trang thiết bị cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến, tránh lây lan trong các cơ sở y tế. Tăng cường năng lực xét nghiệm thuộc đối tượng phải xét nghiệm, trong đó ưu tiên các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để có biện pháp xử lý nhanh, kịp thời.
Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
UBND các cấp tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng. Thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các cấp, cơ quan, đơn vị tổng rà soát, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh và đưa vào khu cách ly hoặc trục xuất nếu cần thiết. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người nước ngoài nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ tất cả các trường hợp người nhập cảnh được phép làm việc, lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan triển khai các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh; kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp. Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại hội Đảng cấp huyện.
Đồng thời, đồng ý với đề xuất của Sở Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho toàn bộ các trường hợp đi về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các trường hợp nghi ngờ từ các tỉnh lân cận.