(Tổ Quốc) - Ngày 15 – 16/6/2019, Hội thảo Quốc tế về Gây tê vùng (RA Asia 2019) diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 diễn giả và đại biểu từ nhiều quốc gia châu Á. Đây là lần đầu tiên Hội thảo quốc tế về gây tê vùng tổ chức tại Việt Nam và do Hệ thống Y tế Vinmec chủ trì.
Các nghiên cứu gần đây tại các nước phát triển cho thấy khoảng 10 - 50% bệnh nhân sau phẫu thuật có đau dai dẳng. Bệnh nhân phẫu thuật ở Việt Nam và trên thế giới đều đối mặt với các nguy cơ nói trên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, gây tê vùng - trong đó có đau sau mổ còn là lĩnh vực tương đối mới.
Hội thảo quốc tế về Gây tê vùng (RA Asia) là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2011 với mục tiêu xây dựng một cộng đồng chuyên môn quan tâm lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật gây tê vùng trong gây mê hồi sức – điều trị đau có cơ hội chia sẻ, cập nhật những kiến thức mới.
Các chuyên gia trong và ngoài nước cập nhật những tiến bộ về gây tê vùng tại hội thảo
Hội thảo năm nay tại Việt Nam tập trung vào các vấn đề An toàn trong gây tê vùng; Xu hướng gây mê giảm đau tốt nhất năm 2019; Các phác đồ gây mê và giảm đau mới nhất; Vai trò của các bác sĩ Gây mê trong Phục hồi sớm sau phẫu thuật… Diễn giả báo cáo là những chuyên gia hàng đầu trong áp dụng kỹ thuật Gây tê vùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Hong Kong, cùng sự tham gia của gần 200 bác sĩ gây mê giảm đau tại trong và ngoài Việt Nam.
Tại Hội thảo, các bác sĩ không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mà còn có thể thực hành nâng cao tay nghề 20 loại kỹ thuật gây tê như gây tê thần kinh mặt, đám rối thắt lưng, đám rối cánh tay, cột sống ngực, bụng…trên người mẫu với hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Kỹ thuật gây tê vùng có sử dụng sóng siêu âm được thực hiện tại Vinmec
GS.TS Philippe Macaire, Trưởng khoa Gây mê giảm đau Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chia sẻ, Vinmec mong muốn RA Asia 2019 sẽ mang đến cơ hội cập nhật các kỹ thuật mới, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho các bác sĩ Việt Nam. "Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều bệnh viện trong nước áp dụng phương pháp giảm đau sau mổ không sử dụng Opioid, nâng cao hơn nữa chất lượng phẫu thuật. Người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm sau mổ, giảm thiểu nguy cơ chuyển thành đau mãn tính, nâng cao chất lượng cuộc sống sau chấn thương và phẫu thuật" - GS.TS Philippe Macaire nhấn mạnh
Trong lĩnh vực gây tê giảm đau trên thế giới, Vinmec gây chú ý khi trở thành nhân tố tiên phong bằng những cải tiến đặc biệt – điển hình là kỹ thuật giảm đau gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau toàn diện, không biến chứng, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim. Hiện Vinmec đã có kinh nghiệm thực hiện 1.000 ca ESP trong mổ tim hở thành công 100%, người bệnh hoàn toàn không đau, không biến chứng và sự cố; kỹ thuật phong bế mới gây tê và giảm đau mới áp dụng cho phẫu thuật cột sống và điều trị đau lưng dưới, vai trò của bác sĩ gây mê trong ngăn chặn đau tồn dư sau phẫu thuật… được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.
Vinmec đã áp dụng kỹ thuật giảm đau gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) cho hơn 1000 ca mổ tim hở
Hiện nay, đau tồn dư và đau mãn tính sau phẫu thuật do tác dụng phụ thuốc giảm đau có opioid đang được giới y khoa Mỹ và nhiều quốc gia khác coi như một cuộc khủng hoảng và tổ chức nhiều chiến dịch để đẩy lùi tình trạng này.
Nắm bắt xu hướng nói trên, từ năm Vinmec không chỉ áp dụng giảm liều thuốc Opioid mà còn tích cực thúc đẩy phát triển lĩnh vực an toàn gây mê giảm đau tại Việt Nam. 100% người bệnh hiện nay tại Vinmec đều được đánh giá nguy cơ đau và các biện pháp giảm đau an toàn khi cần thiết. Trong đó, 98% người bệnh tại Vinmec đã được áp dụng giảm đau không Opioid trong quá trình điều trị.
"Coi Vinmec là một trong những bệnh viện đi đầu thế giới về chăm sóc sức khỏe không dùng thuốc giảm đau không Opioid, Hội đồng khoa học Hội nghị Gây mê Hồi sức thế giới năm 2020 Prague (CH Séc) đã "đặt hàng" Vinmec trình bày về kết quả áp dụng các kỹ thuật Gây tê vùng trong phẫu thuật tại sự kiện Hội nghị Hiệp hội gây mê hồi sức thế giới 2020" – GS.TS Philippe Macaire, Trưởng khoa Gây mê giảm đau Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chia sẻ tại Hội thảo RA Asia 2019.
Thông tin thêm về các Chương trình Gây mê – Giảm đau tại Vinmec
Vinmec là Hệ thống Y tế phi lợi nhuận ra đời năm 2012 do Tập đoàn Vingroup đầu tư, với khát vọng đưa chất lượng chăm sóc sức khỏe ngang tầm các quốc gia phát triển đến với người dân Việt Nam. Với 7 bệnh viện đã hoạt động hiện nay - trong đó có 2 bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI – Vinmec dự kiến hoàn thành chuỗi 10 bệnh viện vào năm 2020.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, Vinmec đã đặt mục tiêu xây dựng Bệnh viện không đau tại Việt Nam, trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê hồi sức phẫu thuật tại Đông Nam Á. Tháng 12/2018, Vinmec đã ký kết Hiệp hội gây mê thế giới (WFSA) cam kết đảm bảo an toàn tối đa trong gây mê phẫu thuật. Vinmec đã nâng tầm và hoàn thiện kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống dưới hướng dẫn siêu âm (ESP) và lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công trong mổ tim hở, giúp người bệnh không đau sau mổ. Kỹ thuật này đã được Vinmec đã được báo cáo Hội nghị Gây mê Hồi sức thế giới 2018 (New York, Mỹ) và chuyển giao cho 50 bác sĩ châu Á trong Khóa đào tạo Gây tê vùng tháng 8/2018.
Trong gây mê hồi sức, Hệ thống Y tế Vinmec tuân thủ các phác đồ gây mê, các hướng dẫn an toàn gây mê, bảng kiểm gây mê đối với 100% phẫu thuật nhằm giảm thiểu tối đa sự cố và tác dụng không mong muốn, theo khuyến nghị của Hiệp hội Gây mê Châu Âu.
Đối với sản khoa, bệnh viện đã xây dựng các phác đồ xử trí và áp dụng kỹ thuật gây tê giảm đau vùng như gây tê thần kinh, gây tê cơ vuông thắt lưng và gây tê thần kinh thẹn (gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng), giúp sản phụ sinh không đau.
Vinmec cam kết có các phác đồ và cơ sở vật chất để xử trí các trường hợp kiếm soát nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, chảy máu nhiều, chăm sóc điều trị đau sau phẫu thuật.