(Toquoc)-Các xây xăng dùng chip ăn gian số lượng, tráo loại xăng ăn gian chất lượng. Họ chỉ ăn gian của mỗi người đổ xăng một tí, năm này qua tháng nọ ăn gian hàng tỉ đồng. Đó là cách ăn cắp có tổ chức, với số lượng lớn, với rất đông bị hại, nhưng chưa có tiền lệ cây xăng ăn cắp bị ra tòa. Trong khi đó, hai anh nông dân ở Lâm Đồng chỉ ăn trộm một con vịt, mà mỗi người bị phạt 4 năm tù.
(Toquoc)-Xăng dầu là mặt hàng được nhà nước quản lý giá, chất lượng, nhưng tính giá trị của nó còn tệ hơn những mặt hàng trôi nổi. Cây xăng nào đong thiếu, pha dầu, chỉ có trời và... cây xăng mới biết. Các đoàn liên ngành đã bắt nhiều cây xăng gian lận, nhưng chưa thấy có cây xăng nào bị khởi tố hoặc đóng cửa. Người mua xăng không nắm được danh sách thành viên đoàn liên ngành, khi bị ăn gian không biết kêu ai, bèn gây lộn với chủ cây xăng cho đỡ tức.
Sáng 8/11, ba trăm người dân đã tụ tập tại cây xăng số 284 Ngô Quyền (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) do công ty TNHH một thành viên dầu khí miền Trung quản lý, để phản đối việc đong xăng gian lận. Số là, chị Lê Thị Hoa đổ 30.000 đồng xăng, nhưng kim xăng trên xe máy báo xăng đong thiếu, chị rút xăng trong bình ra được hơn một lít (tương ứng khoảng 20.000 đồng). Những người đổ xăng làm chứng bất bình kéo theo ba trăm người đi đường biểu thị phản đối. Nhưng khi quản lý thị trường đến kiểm định trụ bơm này, thì tỷ lệ hao hụt là 0,2%, nằm trong dung sai cho phép của Tổng cục Tiêu chuẩn đo đường, chất lượng (TCĐLCL) là ± 0,5%.
Vậy là hòa cả làng!
Cây xăng ngày nay đều thiết kế rất hiện đại. Mỗi cây xăng chỉ được làm đại lý cho một đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng khi cây xăng gian lận thì “đầu mối” là đầu không có tóc nên không bị nắm. Các cây xăng đều gắn trụ bơm điện tử có niêm chì của Trung tâm TCĐLCL, bảo đảm sai số dung tích đong xăng nằm trong dung sai cho phép. Do đó, Trung tâm TCĐLCL không chịu trách nhiệm, nếu cây xăng không mở niêm chì điều chỉnh sai số, thì dùng con chip ở ngoài trụ bơm điều chỉnh sai số lớn hơn dung sai cho phép.
Chưa kể có nhiều hầm xăng dưới đất được nối liên hoàn lên trụ bơm, để ăn gian chất lượng, cây xăng mở van nối hầm xăng A.92 vào trụ bơm A.95 và tính tiền giá xăng A.95. Đó là lý do, tại sao nhãn hiệu xăng A.83 bỗng dưng mất tích trên các trụ bơm xăng, dù nó đang sản xuất cả triệu lít/ngày.
Năm 1996, Bộ Khoa học và Công nghệ vạch ra lộ trình đến năm 1998 chấm dứt sản xuất xăng A.83, vì nồng độ octan thấp sẽ hại máy xe. Tuy nhiên, do Việt Nam có mỏ dầu nên chiết suất thừa condensate, nên Saigon Petro và BV Oil (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn tiếp tục nhập xăng A.95 về pha với condensate thành xăng A.83. Nhiều cây xăng mua xăng A.83 về bán, nhưng không ghi nhãn A.83 trên các trụ bơm, mà ghi là xăng A.92, để hưởng chênh lệnh giá vài ngàn đồng/lít.
Chưa kể, Bộ Khoa học và Công nghệ ấn định các màu xăng cho từng loại để khách hàng phân biệt, nhưng các cây xăng có đủ màu techniquecolor để pha xăng A.83 có màu tím của A.92, hoặc màu xanh lá cây của A.95.
Tội nghiệp cho chị Hoa và ba trăm người đã ráng gân cổ gây lộn với cây xăng, mà không dè mình còn bị nhiều cách ăn gian chất lượng êm ái. Các xây xăng dùng chip ăn gian số lượng, tráo loại xăng ăn gian chất lượng. Họ chỉ ăn gian của mỗi người đổ xăng một tí, năm này qua tháng nọ ăn gian hàng tỉ đồng. Đó là cách ăn cắp có tổ chức, với số lượng lớn, với rất đông bị hại, nhưng chưa có tiền lệ cây xăng ăn cắp bị ra tòa. Trong khi đó, hai anh nông dân ở Lâm Đồng chỉ ăn trộm một con vịt, mà mỗi người bị phạt 4 năm tù.
Cho hay, vịt quý hơn xăng, nên luật pháp mới nghiêm minh trừng trị người ăn cắp vịt, không màng đến người ăn cắp xăng. Vì vậy, để thị trường lành mạnh, hãy vận dụng quy chế quản lý gà vịt vào mặt hàng xăng dầu.
LC