(Tổ Quốc) -Với sự giúp đỡ về mặt trang thiết bị của nước bạn Nga, các môn võ cổ truyền của Việt Nam đã có sự trở lại và phát triển, trở thành những môn võ thế mạnh của Việt Nam trên các đấu trường lớn.
Nói đễn võ cổ truyền Việt Nam, chắc chắn không thể không nhắc đến võ sư Hoàng Vĩnh Giang (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam), một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho võ cổ truyền Việt Nam tại nước Nga.
Bén duyên với võ thuật từ khi còn bé, thế nhưng võ sư Hoàng Vĩnh Giang lại khởi đầu với quyền anh và một số môn võ cổ truyền về thiếu lâm rồi nghiên cứu thêm tài liệu thuyết âm dương cùng một số phương pháp luyện tập nội công.
Tuy nhiên, con đường võ học của võ sư Hoàng Vĩnh Giang chỉ thực sự bắt đầu khi gặp được hai người thầy của phái Vinh Xuân là võ sư Nguyễn Xuân Thi và võ sư Trần Thúc Tiển. Dù “nhân duyên kỳ ngộ”, nhưng khi bước vào tập luyện trong một biển võ học rộng lớn của Vịnh Xuân, bất kể ngày đêm không quản thời gian, võ sư Hoàng Vĩnh Giang chỉ lĩnh hội được 1 phần cơ bản gồm bài quyền về 108 thế đánh với người thật, đánh mộc nhân.
Võ sư Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tich Ủy ban Olympic Việt Nam (Ảnh: Quang Minh) |
Vào năm 1978, võ sự Hoàng Vĩnh Giang lên đường sang Liên Xô (nay là Nga) làm nghiên cứu sinh luận án về “sử dụng phương pháp đặc dụng đặc biệt để huấn luyện sức bền của các VĐV chuyên môn cự ly trung bình” với phương pháp luyện tập từ trên núi cao xuống bình nguyên để tăng khả năng yếm khí của VĐV. Tuy nhiên, do một số lý do khách quan nên luận án đã chuyển sang đề tài “nhịn thở cũng có thể tăng sức bền cho VĐV”.
“Vào thời điểm đấy, một mặt tôi vừa làm đề tài, một mặt tôi cũng muốn chủ động tìm một số người học trò người Nga hứng thú với việc tìm hiểu về võ thuật phương Đông để tập luyện cùng vì những cái tôi học trực tiếp từ Việt Nam sang còn ít, trình độ rất kém, còn sơ bộ. Nhưng kỹ thuật của Vịnh Xuân rất cao nên tôi muốn tìm người tập luyện, phát triển, ôn lại những gì được học”- võ sư Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ.
Võ sư Hoàng Vĩnh Giang thời trẻ (Ảnh: dep.com.vn) |
Theo vị Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic, vào thời điểm ấy tấm gương của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long đang rất nổi tiếng. Do vậy, ông được thừa hưởng uy tín rất lớn từ Lý Tiểu Long khi mọi người nói đến ông như một võ sư của Việt Nam và kéo đến rất đông từ tỉnh khác, thành phố khác đến xin theo học.
Dù vậy, vào thời điểm trình độ võ chưa đạt đủ tầm cùng với nội công khá “lớt phớt” do việc tập luyện rất tổng hợp, từ Nhật Bản, Trung Quốc..., việc đứng ra thu nhận đệ tử đối với võ sư Hoàng Vĩnh Giang là một điều cần suy nghĩ kỹ càng.
“Nhưng sự nhiệt tình, ham học hỏi của các môn sinh đã khiến tôi phải sử dụng vốn ngoại ngữ và hình thể để truyền đạt. Sau này, trong quá trình tập luyện, thi đấu đã ngộ ra được những đường quyền mới, từ đấy mới phát triển ra một số bài sử dụng binh khí’- võ sư Hoàng Vĩnh Giang kể lại.
Trong số các môn sinh thời bấy giờ theo học võ sư Hoàng Vĩnh Giang tại Nga có sự góp mặt của hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao Kiev. Dù là một nhà khoa học về lý thuyết, khoa học huấn luyện, chuyên về bơi lội nhưng ông rất đam mê võ thuật.
Võ sư Hoàng Vĩnh Giang và các lứa VĐV (Ảnh: dep.com.vn) |
“Sau một thời gian tập luyện, nhiều môn sinh đã đặt vấn đề về chi phí dạy học. Nhưng khi đó tôi chỉ muốn tìm một số người cùng tập luyện và một phần cũng là vì sĩ diện nên chỉ bảo họ rằng nếu có lòng hãy mua đồ tập luyện như kiếm, găng tay, bao… thì ngay lập tức được thầy hiệu trưởng trường ĐH Thể thao Kiev hứa sẽ nói trưởng khoa của các môn đối kháng đóng góp trang thiết bị”- võ sư Hoàng Vĩnh Giang kể lại.
Theo đó, số lượng đồ dùng trang thiết bị được góp lại lên tới 2 chiếc container đủ dùng trong 5-7 năm chuyển về Việt Nam.
Với sự trợ giúp của hai HLV chuyển từ môn bóng đá sang là Nguyễn Mạnh Hùng và Phạm Quốc Trọng. Võ sư Hoàng Vĩnh Giang đã giúp khôi phục lại môn đấu kiếm vào năm 2001, sau khi bộ môn này đi xuống do hết trang thiết bị từ những năm 92,93. Chỉ sau 2 năm khôi phục, môn đấu kiếm trở thành một môn thế mạnh của thể thao Việt Nam tại SEA Games 2003. Đấu kiếm đã mang về 3 HCV trong tổng số 12 HC bộ của môn Đấu kiếm.
“Có thể nói, thông qua 2 cái container đấy, những môn đối kháng võ thuật của Việt Nam phát triển hết sức mạnh mẽ và tạo bước đệm cho những môn võ thuật khác như Pencak Silat, Wushu.. sau này”- võ sư Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, những môn võ đối kháng như Wushu, Pencak Silat… hay Đấu kiếm đều là những môn thể thao thế mạnh của Thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội châu lục, thế giới, luôn là những mũi nhọn mang về các tấm huy chương quý giá.
“Tôi từ một người hướng dẫn võ nghiệp dư trở thành một “món ăn đặc sản” ở nước bạn và phát triển võ . Nên tôi cho rằng với sự phát triển ban đầu một cách tình cờ nhưng lại có một sự phát triển nhân văn, mang tính chất cách mạng là một điều đáng để gìn giữ và phát triển hơn”- võ sư Hoàng Vĩnh Giang nhắn nhủ.
Được biết, vào năm 2018, Đại hội võ cổ truyền Việt Nam thế giới lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Nga với sự quy tụ không chỉ của các võ sinh đến từ Việt Nam, mà còn có sự góp mặt của nhiều võ sinh đến từ Nga và các nước lân cận.
Đăng Huy