Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về sự cố vỡ ống máy bơm kiềm khiến chảy hóa chất ra môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Công ty nhôm Đắk Nông.
Theo báo cáo của Vinacomin, ngày 23/7, đường ống dẫn xút của nhà máy Alumin Nhân Cơ – do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách – bị vỡ khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất và phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao.
TKV cho biết sự cố đã xảy ra sáng 23-7 trong quá trình chuẩn bị chạy thử toàn nhà máy. Rất may, nhân viên vận hành đã kịp thời khóa van nên chỉ sau khoảng 4 phút, nguồn kiềm chảy ra đã được khống chế.
Sự cố vỡ đường ống dẫn xút nhà máy Alumin Nhân cơ ngày 23/7 - Ảnh: DĐDN
|
Trong báo cáo sơ bộ ngày 24/7 của Tổ giám sát môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, lượng kiềm thất thoát do sự cố là 9,58 m3, trong đó có một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp trên phần diện tích khoảng 600 m2 và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn ra suối Đăk Yao.
TKV đã làm việc với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc), yêu cầu nhà thầu kiểm tra lại toàn bộ từ khâu thiết kế, thiết bị và quá trình thi công lắp đặt, lập báo cáo đánh giá về sự cố, đề xuất giải pháp khắc phục… Đồng thời, hoàn thiện các báo cáo về sự cố, kiểm tra lại quy trình xử lý sự cố rò rỉ kiềm, bổ sung thiết kế, thi công nhằm bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành sản xuất của nhà máy.
Ngày 2-8, trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định dù sự cố đã được khống chế hoàn toàn một cách nhanh chóng, sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường cũng đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ pH ở mức cho phép, tuy vậy, ông Dũng công nhận sự cố có ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.
Báo DĐDN dẫn lời một số chuyên gia về địa chất nhận định về sự cố này, nếu không cẩn trọng trong khai thác boxit ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên. Bởi, bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit có độ kiềm rất cao lên đến 12 pH (nước ở mức trung tính độ pH= 7). Trong khi đó, công nghệ của thế giới hiện nay vẫn chưa xử lý được loại xút trong bùn đỏ.
Do đó, xút này xả ra ngoài thì mức độ phá hủy quá kinh khủng, mọi thứ nó đi qua đều bị tiêu diệt hết. Đặc biệt, Tây Nguyên lại nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ, nên hậu quả sẽ khôn lường nếu sự cố boxit xảy ra.
Thuỷ Bích (tổng hợp)