(Tổ Quốc) – Nếu các doanh nghiệp lữ hành mà không hiểu sâu sắc về Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch thì rất nguy hại, vì lãi thì ít mà phạt thì nhiều.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm
Đó là ý kiến phát biểu của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong phần khai mạc của tòa đàm triển khai Nghị định 45/2019/NĐ – CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch diễn ra vào sáng 7/6, tại Hà Nội.
Tòa đàm do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức với mục đích để các doanh nghiệp lữ hành ngồi lại cùng với nhau, tìm hiểu, bàn thảo và đưa ra những vấn đề còn vướng mắc ở thực tế so với những điều khoản quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Tòa đàm thu hút sự tham gia của hơn 50 đơn vị lữ hành trong cả nước.
Nghị định 45 quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính như giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: 1- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; 2- Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch; 3- Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 4- Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.
Nghị định 45 cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân…
Nói về tầm quan trọng cũng như vai trò của Nghị định 45 này với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng:
Nghị định 45 là những vấn đề, những nội dung rất sát sườn đối với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Tuy nhiên, có thể sẽ lại giống như Luật Du lịch, nhiều doanh nghiệp không chịu tìm hiểu kỹ, đến khi bị xử phạt mới bắt đầu kêu cứu và làm ầm ĩ lên hay hiểu luật theo như ý muốn của mình…điều này rất đáng lo ngại.
"Vì thế, tọa đàm lần này chính là dịp để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu kỹ, rà soát từng nội dung trong nghị định, cái gì đúng và chúng ta phải làm thì bắt buộc phải thực hiện cho tốt. Cái gì không hợp lý thì có ý kiến để Hiệp hội tập hợp lại và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước để thay đổi hoặc có thông tư hướng dẫn cụ thể…" ông Vũ Thế Bình nói.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của 50 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước
Tại buổi tọa đàm này, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra những thắc mắc cùng kiến nghị về một số các điều khoản trong nghị định như: Vấn đề xử phạt khi khách du lịch Việt Nam bỏ trốn tại nước ngoài; không kịp thời báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch; không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch, việc xử phạt đối với những sai phạm của hướng dẫn viên…
Nêu ý kiến về Nghị định 45, ông Trần Long, Tổng giám đốc Du lịch Việt nói "Tất cả những nghị định trước còn chung chung, mập mờ thì tại nghị định 45 này mọi thứ đã rất cụ thể, rõ ràng. Với nghị định 45 này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ không còn làm bậy được nữa. Quá nhiều đơn vị có thể vào xử phạt các doanh nghiệp lữ hành như UBND xã chẳng hạn".
Cũng theo đại diện Du lịch Việt, với Nghị định 45 thì tư tưởng làm du lịch đơn giản sẽ không thể tồn tại và phát triển được. "Hiện nay ở Việt Nam chúng ta, các công ty du lịch mọc lên như nấm sau mưa, nhưng rất nhiều công ty không hiểu luật". ông Long nhấn mạnh.
Đại diện Kim Liên Travel cũng cho hay, những quy định tại Nghị định lần này khá chặt chẽ và đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành phải thực sự hoạt động rất bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể, chung chung và gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Đại diện cũng chia sẻ với Hiệp hội Du lịch Việt Nam về vấn đề thanh tra. Theo đó, trong một năm, doanh nghiệp này phải tiếp tới 3 đoàn thanh tra…
Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2019. Đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới được phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm
Phát biểu kết thúc buổi tòa đàm, ông Vũ Thế Bình một lần nữa nhắc lại việc các doanh nghiệp lữ hành cần phải chủ động trong vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu luật cũng như nghị định và nghiêm túc thực hiện nếu không muốn "thường xuyên bị phạt", thậm chí là tước giấy phép kinh doanh. Hội cũng sẽ kiến nghị để có những quy định rõ và chi tiết hơn bằng các thông tư hướng dẫn…/.