• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị định 74: “Cứu cánh” cho người nghèo tỉnh Sơn La

Kinh tế 29/09/2020 14:29

(Tổ Quốc) - Là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, việc tạo công ăn việc làm giúp bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập được tỉnh Sơn La được đặc biệt quan tâm.

Chính sách hiệu quả cho bà con vùng sâu, vùng xa

Không chỉ đẩy mạnh công tác hướng dẫn, đào tạo nghề, tỉnh Sơn La còn huy động mọi nguồn lực để giúp người dân đầu tư phát triển kinh tế. Đơn cử như, việc cho người dân vay vốn Giải quyết việc làm theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.

Vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị định 74: “Cứu cánh” cho người nghèo tỉnh Sơn La - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi gà của HTX Đồng Tâm.

Là một trong những người dân mạnh dạn đi đầu trong việc tiếp cận nguồn vốn vay Giải quyết việc làm theo Nghị định 74, đến thời điểm này, gia đình ông Phạm Văn Hòa (tổ 7, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La) đã có một mô hình chăn nuôi và cây ăn quả cho thu nhập khá.

Ông Hòa chia sẻ, được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Sơn La cho vay 50 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư nuôi lợn và trồng nhãn. Sau 3 năm đầu tư, đến nay mô hình của ông Hòa đã phát huy hiệu quả cho thu nhập 50 - 70 triệu đồng/ năm, tạo công ăn việc làm cho 4 người trong gia đình.

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Nghị định 74 cũng đã tạo cơ hội cho gia đình ông Phạm Văn Cường (P. Chiềng Sinh, TP Sơn la). Được biết, từ 50 triệu đồng vay của NHCSXH chi nhánh Sơn La, ông Cường đã đầu tư trồng xoài, nhãn và chăn nuôi lợn.

Nhờ cần cù, chịu khó, giờ đây mô hình của ông mỗi năm thu xoài 2 tấn, 4 tấn nhãn và cho xuất chuồng hàng chục tấn lợn. Theo ông Cường, đây là chính sách rất hiệu quả giúp cho bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tìm kiếm kế sinh nhai để thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Một điển hình khác trên địa bàn tỉnh Sơn La đó là mô hình chăn nuôi gà thảo dược của HTX Đồng Tâm (xã Chiềng Ngần, TP Sơn La). Chị Nguyễn Thị Hương Xuân - Thành viên HTX cho biết, HTX được thành lập tháng 9/2019, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH chi nhánh Sơn La, HTX đã triển khai mua gà giống từ 2 - 3 tháng tuổi, nhập nguyên liệu sản xuất cám để chăn nuôi gà thảo dược.

Chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương

Theo báo cáo từ NHCSXH chi nhánh Sơn La, doanh số cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 74 trên địa bàn tỉnh Sơn La đến 30/6 là trên 47 tỷ đồng với 600 dự án, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 14 tỷ đồng, với 298 dự án, tạo việc làm cho 335 lao động, 153 lao động nữ, 162 dân tộc thiểu số. Vốn ủy thác địa phương là trên 25 tỷ đồng với trên 501 dự án.

Ông Hoàng Xuân Trường - Giám đốc NHCSXH chi nhánh Sơn La cho biết, qua quá trình triển khai thực tế, chúng tôi thấy rằng nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Qua đó đã giúp cho địa phương giải quyết việc làm cho những lao động nhàn rỗi, dôi dư.

Chính sách này cũng giúp bà con từ chỗ đang tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo để lên khả năng mới là giải quyết việc làm để họ có nguồn thu nhập ổn định. Sau khi thoát nghèo, bản thân họ sẽ tiếp cận được với các nguồn vốn thương mại khác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Cũng theo ông Hoàng Xuân Trường, nhờ sự nhân văn, hiệu quả của chính sách này mà ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay này. Tuy nhiên, trên thực tế thì nguồn vốn trung ương chuyển về và tỉnh chuyển sang hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 5 - 7% nhu cầu thực tế tại địa phương.

Thời gian tới, để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, NHCSXH tỉnh Sơn La sẽ duy trì mở rộng, nâng cao chất lượng tín dụng, ưu tiên cho vay các hộ có kinh nghiệm sản xuất, có khả năng cho các hộ khác học tập kinh nghiệm. Trong đó, đặc biệt lưu ý những hộ sản xuất mang tính trang trại, tổ hợp và cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động.

Cùng với đó là tiếp tục xây dựng và kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra giám sát hộ vay sử dụng đúng mục đích đạt hiệu quả.

Sơn Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ