• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vòng phấn Kavkaz”: Hài hước, hiện đại nhưng không kém phần sâu sắc

06/08/2017 16:00

(Cinet)- Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” đã mang đến cho khán giả Thủ đô những trải nghiệm mới mẻ, thú vị về nghệ thuật sân khấu. Đó là sự hài hước, hiện đại nhưng không kém phần sâu sắc.

(Cinet)- Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” đã mang đến cho khán giả Thủ đô những trải nghiệm mới mẻ, thú vị về nghệ thuật sân khấu. Đó là sự hài hước, hiện đại nhưng không kém phần sâu sắc.



“Vòng phấn Kavkaz” công diễn tối 5/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” thuộc chuỗi hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội theo chủ trương bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm chất lượng cao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.



Đây là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất, gắn liền với tên tuổi kịch gia người Đức Bertolt Brecht (1898-1956), do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và đưa lên sân khấu kịch Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn người Đức Dominik Gunther, vở diễn đã mang đến cho khán giả Việt một món ăn tinh thần đặc sắc, mang đậm hơi thở hiện đại.

"Vòng phấn Kavkaz” được đông đảo khán giả Thủ đô đón nhận. Ảnh: Gia Linh



Chia sẻ về vở diễn, ông Ông Nguyễn Sĩ Tiến – Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, "chúng tôi may mắn được hợp tác với Viện Goethe cách đây 3 năm để dựng vở “Vòng phấn Kavkaz” với một đạo diễn người Đức. Những chi tiết mà khán giả xem đã được Việt hóa đôi chút, đó là sự xử lý thông minh của đạo diễn. Bởi dù là người nước ngoài nhưng anh ta đã tìm hiểu khá kỹ về cuộc sống người Việt, kết hợp với diễn xuất của diễn viên và ekip đã tạo ra mạch kịch phù hợp với cuộc sống hôm nay. Như thế, khán giả sẽ thấy từ một vở diễn rất khó xem, khó dàn dựng trở nên thú vị. "



Đề tài tình yêu luôn mang tính thời sự



Tình yêu là đề tài bất hủ trong các tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là chủ đề mà “Vòng phấn Kavkaz” theo đuổi. Đặc biệt hơn, đây là câu chuyện về tình yêu thời loạn lạc, chiến tranh. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình mẫu tử, tình người. Cũng bởi vậy, vở diễn dù được công diễn lần đầu cách đây 70 năm nhưng sức sống vẫn mãnh liệt trên sân khấu tới hôm nay.

Hình ảnh trong vở diễn



Câu chuyện bắt đầu với sự dồn dập của chiến tranh, của lính địch đang đến gấn với sự hỗn loạn trong dinh Tổng trấn giàu có. Ai cũng hốt hoảng gói ghém đồ đạc để đi trốn. Tổng trấn phu nhân ấn con trai vào tay cô hầu Grusche giữa cảnh binh lính nổi loạn đang truy lùng đứa bé gắt gao rồi biến mất cùng tiền bạc và quần áo quý giá.



Grusche trốn cùng đứa bé, nuôi nó lớn lên trong vô vàn gian khổ và hiểm nguy, tựa như đó chính là con trai mình. Simon, anh người yêu của Grusche cho rằng cô đã lừa dối anh và đã bỏ cô. Năm tháng trôi qua. Rồi một ngày, Tổng trấn phu nhân xuất hiện và đòi lại đứa con, vì có nó bà ta sẽ thừa kế một gia tài lớn.



Nhưng đối với Grusche thì từ lâu nó đã như đứa con do chính cô rứt ruột đẻ ra, không dễ gì chia tay. Hai người mẹ và một đứa trẻ ra đối chất trước tòa và quan tòa Azdak sẽ phải xử vụ này. Liệu ông sẽ phán quyết ra sao? Và môt phép thử bằng vòng phấn đã được nghĩ ra để tìm ra người mẹ đích thực cho đứa trẻ…

Grusche trốn cùng đứa bé, nuôi nó lớn lên trong vô vàn gian khổ và hiểm nguy... Ảnh: Gia Linh



Sân khấu tương tác



Sân khấu tương tác là điểm nhấn quan trọng của “Vòng phấn Kavkaz”. Người xem có cảm giác mình không chỉ xem kịch mà đang thực sự hòa mình vào vở diễn trong một bối cảnh không gian và thời gian được hư cấu. Người dẫn chuyện dẫn dắt mạch câu chuyên trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử. Anh cũng hòa mình vào không khí phía dưới hàng ghế khán giả để họ cảm nhận được sự gần gũi, được sự thu hút một cách tự nhiên, có khi anh lại theo chân, kể chuyện về các nhân vật với khán giả. Xem kịch mà không phải xem kịch, mỗi khán giả cũng trở thành một nhân vật trong câu chuyện, một người chứng kiến để suy nghĩ và đưa ra kết luận của riêng mình.

Khán giả xem kịch mà không phải xem kịch. Ảnh: Gia Linh



Không gian diễn xuất được mở rộng, không chỉ bó hẹp trên sân khấu mà trải rộng khắp khán phòng, xuống tới hàng ghế khán giả. Không chỉ các đạo cụ sân khấu cũng được tận dụng tối đa, các diễn viên tham gia vở kịch cũng cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò, như NSND Lê Khanh đả nhận tới ba vai diễn: mệnh phụ phu nhân đi chạy loạn, mẹ chồng của Grusche và bà lão nông dân. Âm nhạc, lời thoại và phục trang hiện đại cũng được đưa vào vở diễn một cách khá tự nhiên và gần gũi.



Dựng lại một vở diễn đã có tên tuổi trước đây là một việc khó, đặc biệt là việc đảm bảo những đặc trưng của kịch Bertolt Brech cách đây 7 thập kỷ nhưng kết hợp giữa các yếu tố sân khấu hiện đại và chinh phục khán giả Việt còn là một việc khó hơn. Và “Vòng phấn Kavkaz” đã chinh phục được thử thách đó.



Điều này một lần nữa khẳng định tài năng của đạo diễn người Đức Dominik Gunther và tập thể các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ với các tên tuổi như NSND Lê Khanh, Thu Quỳnh, Bá Anh, Thanh Bình, Thanh Dương, Thanh Lê, Hoàng Trang… xứng đáng với các tiêu chí của “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, một vở diễn chất lượng và sâu sắc.

Đối với Grusche thì từ lâu đứa bé đã như đứa con do chính cô rứt ruột đẻ ra, không dễ gì chia tay.

Ảnh:  Gia Linh



Ông Nguyễn Sĩ Tiến – Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, trong chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian”, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến 03 vở kịch khác nhau gồm: “Vòng phấn Kazkav”, “Ai là thủ phạm” và “Công lý không gục ngã”.



Vở “Vòng phấn Kazkav” là vở của tác giả người Đức với cách diễn hoàn toàn khác lạ. Chúng tôi rất vui mừng khi tái hiện lại vở này khán giả đón nhận rất tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng và khẳng định việc đưa tác phẩm đỉnh cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn là đúng đắn. Vở diễn thứ 2 là vở “Ai là thủ phạm” của tác giả Lưu Quang Vũ, do đạo diễn NSUT Chí Trung dàn dựng. Vở diễn sẽ đưa khán giả trở về với thời kỳ bao cấp tại thủ đô Hà Nội với sự tham gia của nhiều diễn viên được khán giả yêu quý. Vở thứ 3 là “Công lý không gục ngã”, đây là vở diễn về đề tài lịch sử, và đạt huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. 



Có thể nói công tác chuẩn bị của nhà hát diễn ra rất chu đáo bởi hơn bao giờ hết với khán giả hôm nay với nhiều lựa chọn khác nhau, Nhà hát Tuổi trẻ đang đứng trước nhiều thách thức là làm thế nào để nâng chất lượng biểu diễn, chất lượng từng vai diễn, từng lớp diễn, phục trang, sân khấu đáp ứng yêu cầu khán giả, ông Tiến chia sẻ./.




Gia Linh












 

NỔI BẬT TRANG CHỦ