(Tổ Quốc) - Khi nói về vụ việc 3 người tử vong và 1 người nguy kịch do uống rượu ngâm rễ cây ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Thầy thuốc nhân dân (TTND) Nguyễn Xuân Hướng – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, có thể loại rễ ngâm trong rượu đó là của cây ngón.
Vụ việc thương tâm
Như thông tin đã đưa, vào chiều 12/3, sau khi uống rượu ngâm rễ cây rừng xong, cả 4 người, cùng trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn đều có chung biểu hiện như khó thở, nôn mửa, choáng váng và đau đầu.
Nghi bị ngộ độc nên gia đình đã đưa cả 4 người tới bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên, do gia đình đưa đến quá muộn nên 3 người đã tử vong ngay sau đó. Người nhà các nạn nhân cho biết, trước đó, những người này uống rượu ngâm với rễ cây rừng.
Gia đình đã mang theo 1 chai rượu mà những người này uống để bác sĩ xét nghiệm độc tố.
Sau khi tử vong, gia đình đã từ chối khám nghiệm và đưa thi thể các nạn nhân về nhà tổ chức mai táng theo phong tục địa phương.
Có thể do uống rượu ngâm rễ cây ngón
Khi chia sẻ về vụ việc này, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng: “Nguyên nhân vụ việc cơ quan chức năng sẽ kết luận nhưng theo kinh nghiệm làm thầy thuốc của tôi, chết nhanh như vậy có thể là do uống phải rượu ngâm rễ cây ngón.”
Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. Ảnh: khampha.vn |
Thầy thuốc Hướng cho biết, rượu thường ngâm một bài thuốc chứ không ai ngâm một vị. Ví dụ như, ba kích để cố tinh cho nam giới nhưng nếu một mình ba kích là không được mà phải có đủ một bài thuốc để bổ dương và bổ khí. Có khí mới cố tinh được, một mình ba kích sẽ không có tác dụng.
Thứ hai nữa là rễ cây đinh lăng, đây là một vị thuốc nam bổ nhưng nếu ngâm một mình đinh lăng sẽ không có tác dụng mà phải kết hợp các vị thuốc khác thì chất bổ mới đến đúng nơi đang có bệnh.
Cũng theo Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, một ví dụ nữa đó là táo mèo, giúp tiêu hóa tốt nhưng phải kết hợp với thần khúc, mạch nha mới phát huy được tác dụng tiêu thực.
Người hiểu biết trước khi ngâm rượu nên đến hỏi thầy thuốc
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng cho hay, người hiểu biết trước khi ngâm rượu thường đến hỏi thầy thuốc để họ cho bài thuốc cụ thể.
Thường thuốc ngâm rượu là thuốc đi vào huyết chữa các bệnh về huyết, rượu chỉ là chất xúc tác chứ rượu không có tác dụng chữa bệnh. Khi ngâm rượu nên đến thầy thuốc, tự mua thuốc về ngâm dễ gây phản tác dụng.
Lâu nay, nhiều người vẫn thường quan niệm cứ ngâm nhiều thứ, khi uống vào không bổ cái này thì cũng bổ cái khác. Tuy nhiên, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng cho rằng: “Đây là quan niệm sai lầm bởi như vậy sẽ rất hại cho sức khỏe. Trong đông y có những vị thuốc tốt cho thận nhưng lại hại cho gan, có những vị thuốc tốt cho tim, tỳ vị mà lại hại cho thận. Do vậy, cần rất thận trọng khi ngâm và sử dụng rượu thuốc"./.
Thế Công