(Tổ Quốc) - Mở rộng điều tra vụ án nâng khống giá thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 25/9, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viện và 2 thuộc cấp.
Chiêu 'thổi giá' thiết bị từ hơn 7 tỷ lên 39 tỷ đồng
Mở rộng điều tra vụ án nâng khống giá thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 25/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh (SN 1959), nguyên Giám đốc Bệnh viện về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960), nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận (SN 1974), Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện về cùng tội danh trên.
Bộ Công an cũng nêu rõ, quá trình điều tra, đã làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ BV Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền và bà Trịnh Thị Thuận.
Cuối tháng 8/2020, trong quá trình điều tra sai phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa, C03 đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại bệnh viện này, Cty CP Công nghệ y tế BMS và một số đơn vị liên quan.
Đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam với Phạm Đức Tuấn (SN 1979) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Cty CP Công nghệ y tế BMS và Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983) - Phó Giám đốc Cty CP Công nghệ y tế BMS.
Cùng bị khởi tố về hành vi lừa đảo, bị can Trần Lê Hoàng (SN 1978) - Thẩm định viên Cty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Kết quả kiểm tra cho thấy, đề án liên danh, liên kết tháng 1/2017 giữa Bệnh viện và Công ty CP công nghệ y tế BMS, Công ty CP công nghệ y tế BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết số 02/HĐKL/BVBM-BMS ngày 27/2/2017.
Cắt băng khai trương robot Mako và Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai đầu năm 2017 - Ảnh website Bệnh viện
Theo đó, hệ thống phẫu thuật chính xác cao có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và robot hỗ trợ Rosa trong phẫu thuật sọ não (xuất xứ Pháp) có tổng giá trị đầu tư là 39 tỷ đồng.
Vốn do bên B đầu tư, thời hạn liên kết là 7 năm (2017-2024). Sau khi trừ chi phí thuế TNDN và các chi phí chung (bao gồm cả chi phí bảo hiểm rủi ro và chi phí phải trả lãi vay ngân hàng), bên A được hưởng 50%, bên B 50% chệnh lệch thu chi.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ CV10/2019/BMS, ngày 22/10/2019 của Công ty CP công nghệ BMS cho thấy, giá của các thiết bị theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) là 7.056,59 triệu đồng.
Chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ là 2,5 tỷ đồng; chi phí thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế là 1,08 tỷ đồng; thuế VAT 5% là 352,83 triệu đồng.
Như vậy, tổng tất cả các chi phí khi mua máy robot rosa là hơn 10,9 tỷ đồng. So với con số 39 tỷ đồng được ghi trong hợp đồng, số tiền bị đội vống lên gấp gần 4 lần.
Cùng thời điểm robot Rosa được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (tháng 3/2017), Công ty BMS còn cung cấp cho Bệnh viện này robot Mako. Đây là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật khớp gối, khớp háng, có xuất xứ từ Mỹ.
Cơ quan chức năng tiến hành khám nhà ông Nguyễn Ngọc Hiền trong tối 25/9.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Quốc Anh đang đương nhiệm Giám đốc BV Bạch Mai cho hay, Mako và Rosa là 2 hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay về lĩnh vực khớp, sọ não xuất xứ Mỹ, đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện điều trị cho người lớn tại Bạch Mai.
Ông Anh đánh giá việc đưa vào sử dụng hệ thống robot nhằm "mang đến cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị công nghệ cao cho người bệnh ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc ra nước ngoài điều trị".
Thông tin thêm về vụ án, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số cá nhân tại Cty CP Công nghệ y tế BMS (Cty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Cty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.
Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai hải quan ghi nhận, hệ thống này được nhập khẩu có trị giá khoảng 7,4 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).
Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết nâng khống giá lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý để đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.
"Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca", tướng Xô nói.
Chiếm đoạt của bệnh nhân hơn 10 tỷ đồng
Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin, trong các năm từ 2017 - 2019, BV Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Còn trả lời sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động niêm phong 2 robot để phục vụ điều tra. Việc dừng 2 robot không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị bệnh nhân nói chung.
Ông Tuấn cũng thông tin, với robot Rosa, từ lúc triển khai đến thời điểm niêm phong đã mổ được 550 trường hợp và đây là kỹ thuật mới, chưa nằm trong lĩnh vực bảo hiểm chi trả nên hầu hết chi phí người bệnh phải chi trả.
"Việc một số nhà đầu tư thiếu trung thực đưa vào Bạch Mai máy móc giá quá cao so với thực tế đã ảnh hưởng rất nhiều uy tín của bệnh viện.
Một số cán bộ bệnh viện có thể liên quan điều đó. Tuy nhiên, tôi khẳng định hơn 4.000 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai hết sức tận tâm tận lực phục vụ bệnh nhân, và họ hầu như không được hưởng lợi từ nguồn thu không chính đáng đó", ông Tuấn nêu rõ.
Ông Nguyễn Quốc Anh, sinh năm 1959, quê xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Ông Quốc Anh là PGS.TS, thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động. Ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từ 2009 - 2019.
Ông có gần 30 năm công tác và gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai. Một trong những đóng góp đáng kể nhất của PGS.TS Nguyễn Quốc Anh là gây dựng và phát triển Khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện, áp dụng và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị bệnh nhân.
Quá trình công tác, ông Nguyễn Quốc Anh từng kinh qua các chức vụ như: Hiệu trưởng Cao đẳng y tế Bạch Mai, Phó trưởng khoa Y - Dược trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Phó trưởng Bộ môn Gây mê Hồi sức trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.