• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ cháy chùa Phổ Quang: Đoàn chuyên môn Bộ VHTTDL khuyến nghị một số giải pháp "cấp cứu" di sản

Văn hoá 25/10/2024 08:57

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 24/10, Đoàn chuyên môn của Bộ VHTTDL gồm đại diện Cục Di sản, Bảo tàng lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích đã khảo sát, đánh giá sơ bộ những thiệt hại bước đầu tại Di tích quốc gia chùa Phổ Quang sau vụ cháy, đồng thời đưa ra những khuyến nghị với địa phương về biện pháp trước mắt nhằm bảo tồn các di sản còn lại.

Sơ bộ đánh giá thiệt hại

Như chúng tôi đã đưa tin, vào khoảng 10 giờ ngày 23/10/2024, di tích quốc gia chùa Xuân Lũng (còn gọi là chùa Phổ Quang), xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bị cháy.

Chùa Phổ Quang là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, được nhà nước công nhận tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10/7/1980 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Vụ cháy chùa Phổ Quang: Đoàn chuyên môn Bộ VHTTDL đưa một số giải pháp "cấp cứu" di sản  - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia Bệ đá hoa sen bị hư hại sau vụ cháy chùa Phổ Quang

Chùa được xây dựng vào thời Trần (1224-1400), là quần thể gồm Tam quan - gác chuông, nhà bia, tòa Tam bảo (kiểu chữ Công gồm bái đường, thiêu hương và chính điện).

Trong tòa Tam bảo còn lưu giữ được 1 hiện vật vô cùng độc đáo, đó là Bàn thờ Phật bằng đá. Đây là hiện vật đã gắn với lịch sử của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XIV - một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá độc đáo của nghệ nhân dân gian.

Bàn thờ Phật bằng đá có kết cấu 5 tầng được lắp ghép từ nhiều phiến đá theo hình chữ Công tạo nên sự liên kết vững chãi. Từ loại chất liệu đá xanh, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời cổ vật độc đáo, thành công kỳ diệu cả về kỹ thuật, mỹ thuật và cả sự triết lý tư tưởng: Thực và phi hiện thực "Cá hóa rồng", "Độc long", "Sư tử vờn hoa"… Đặc biệt là hình tượng con rồng với đặc điểm độc đáo của nghệ thuật thời Trần với đề tài "Cá hóa rồng". Đây cũng là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng "Sư tử hí cầu" và "Cá hóa rồng" trong mỹ thuật cổ.

Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang là một hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật; có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, ngày 25/12/2021, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ, Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Vụ cháy chùa Phổ Quang: Đoàn chuyên môn Bộ VHTTDL đưa một số giải pháp "cấp cứu" di sản  - Ảnh 2.

Đoàn khảo sát Bộ VHTTDL đánh giá sơ bộ về những thiệt hại sau vụ cháy

Ngoài bệ sen, chùa Phổ Quang còn nổi tiếng là nơi lưu giữ hơn 30 pho tượng cổ bằng gỗ và đất.

Năm 2019-2021, chùa được tu bổ, xây dựng lại nhiều hạng mục từ nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, nhân dân địa phương với số tiền 25 tỉ đồng.

Theo báo cáo ban đầu của UBND xã Xuân Lũng, vụ cháy đã gây thiệt hại hoàn toàn tòa Tam Bảo, cơ sở vật chất trong chùa và 27 pho tượng (phần lớn là tượng cổ). Riêng bảo vật quốc gia Bệ đá hoa sen qua quan sát bị vỡ cánh hoa sen.

Đánh giá sơ bộ của đoàn khảo sát chiều 24/10 cho thấy, về cấu kiện gỗ, chùa đã hư hại hoàn toàn hệ thống cửa, cột, đui mè, vỉ kèo trên mái. Về hệ thống gạch, trực quan tường ngoài không có thiệt hại rõ nhưng bên trong nhiều vết nứt và ám khói hoàn toàn. Hệ thống tượng gỗ và đất phần lớn hư hại hoàn toàn.

Về bảo vật quốc gia Bệ đá hoa sen bị ám khói bề mặt, có những vị trí bị tách lớp, nứt vỡ các thành phần kiến trúc ở các góc do mái ngói rơi xuống trong quá trình bị cháy. Theo trực quan, về mặt khối vẫn đang đảm bảo tính toàn vẹn. Tuy nhiên, bề mặt đá bị tách lớp khá khó xử lý phục hồi nguyên vẹn.

Một số giải pháp "cấp cứu" di tích

Đoàn khảo sát đã đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm bảo tồn di tích còn lại sau vụ cháy, nhằm giảm thiểu những thiệt hại và tác động trong thời gian tới.

Vụ cháy chùa Phổ Quang: Đoàn chuyên môn Bộ VHTTDL đưa một số giải pháp "cấp cứu" di sản  - Ảnh 3.

Một số tượng cổ bằng đất được đánh giá là vẫn có thể phục hồi

Theo đánh giá của Đoàn, hệ thống giá trị gốc cốt lõi của di tích là hệ thống tượng gỗ, tượng đất và bảo vật quốc gia bệ đá hoa sen cần có biện pháp bảo tồn, trước mắt là che chắn, chống mưa nắng, chống om nhiệt và nứt vỡ.

Về lâu dài cần có nhiều chương trình, cấp thiết là giảm thiểu những tác động dẫn đến thiệt hại thêm đối với các di sản còn lại. Theo đó, cần có sự chuẩn bị cho công tác tu bổ phục hồi di sản về sau này được thuận lợi hơn. Các nhà chuyên môn cho rằng, với những cấu kiện bị nứt vỡ rời ra ở bảo vật quốc gia Bệ đá hoa sen, trong quá trình dọn dẹp cần đánh số những mảng cấu kiện bị rời, đồng thời không nên di chuyển bảo vật quốc gia này mà cần có phương án che bao riêng để tránh những tác động từ bên ngoài.

Ông Phạm Mạnh Cường- Viện Bảo tồn Di tích chia sẻ quan điểm: Đối với bảo vật quốc gia Bệ đá hoa sen, khi dọn dẹp phải xác định vị trí các mảnh vỡ, có người kiểm soát, cố gắng giữ tối đa những mảnh vỡ để phục vụ công tác bảo tồn sau này. Đồng thời phải có khung che đề phòng các mảnh ngói trên mái, gỗ đổ xuống làm thiệt hại thêm đến Bảo vật.

"Đối với hệ thống tượng, cần có phương án bảo vệ, che chắn mưa nắng. Cần có phương án che mái, thường xuyên rà soát những điểm mối bị đọng nước. Đối với từng tượng phải có thống kê, che chắn, đánh số, vị trí... Trong thời gian tới, phải có buổi làm việc chuyên sâu giữa địa phương và các nhà khoa học, nhà quản lý để có phương án bảo tồn, phục hồi di tích"- ông Phạm Mạnh Cường chia sẻ.

Vụ cháy chùa Phổ Quang: Đoàn chuyên môn Bộ VHTTDL đưa một số giải pháp "cấp cứu" di sản  - Ảnh 4.

Các cột gỗ, cấu kiện gỗ đã hư hại hoàn toàn sau vụ cháy

Theo đánh giá của đại diện Bảo tàng lịch sử quốc gia, vụ cháy chùa Phổ Quang là một thảm họa của di sản và địa phương, gây thiệt hại rất lớn đối với di sản.

Theo cảm quan, đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, hệ thống vỉ kèo mái có thể sập bất cứ lúc nào, tuy nhiên, vẫn còn 1 số tượng có thể phục hồi. Cấp thiết nhất là bảo vệ bệ đá hoa sen và tượng. Phải có khung bảo vệ để chống việc các mảnh ngói, vỉ kèo gỗ rơi xuống ảnh hưởng đến bệ đá và tượng. Đồng thời xem xét có hiện tượng "om" bệ đá (đá ở nhiệt độ cao gặp nước hạ nhiệt đột ngột) vì vậy cần có biện pháp tránh mưa, tránh bị ngoại lực tác động đối với bảo vật Bệ đá hoa sen.

Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lũng kiêm Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Phổ Quang, đây là vụ việc đáng tiếc đồng thời lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn, nên Ban quản lý cũng như lãnh đạo địa phương rất băn khoăn về phương án bảo tồn các di sản, cấu kiện bị hư hại cũng như các di sản còn lại. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh bày tỏ cảm ơn, ghi nhận sự cố vấn của đoàn chuyên môn đồng thời cam kết sẽ bảo quản tốt các hiện vật còn lại theo khuyến cáo của đoàn công tác.

Trưởng Ban quản lý di tích chùa Phổ Quang cũng mong muốn đoàn chuyên môn của Bộ VHTTDL sớm có báo cáo lãnh đạo Bộ, đồng thời tư vấn UBND huyện Lâm Thao, UBND tỉnh Phú Thọ những phương án bảo tồn, trùng tu, phục hồi lại Chùa Phổ Quang để tỉnh sớm có đề án trình Bộ VHTTDL xem xét./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ