(Tổ Quốc) - Việc trao Bằng khen cho Giáo sư âm nhạc, ca sĩ Ngọc Sơn sẽ ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính và gây phản ứng trong xã hội.
Sự việc ca sĩ Ngọc Sơn được nhận Bằng khen của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam kèm danh Giáo sư âm nhạc đang làm xôn xao dư luận. Trao đổi với chúng tôi, các nghệ sĩ, nhà quản lý cho rằng cần xem xét lại vấn đề này.
NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Phong GS cho Ngọc Sơn ảnh hưởng tới người làm nghề chân chính
Với một tổ chức xã hội nghề nghiệp, theo như tôi hiểu, thì không có chức năng trao thưởng, hay xét tặng danh hiệu, phong tặng danh hiệu cho bất kỳ cá nhân nào.
Cần quy định về việc phong các danh hiệu để tránh tình trạng "loạn danh hiệu" như hiện nay |
Còn Hội đồng giáo sư của nhà nước là do Hội đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, gắn với các chuyên ngành và có thứ tự học hàm, học vị như trước tiên phải qua bảo vệ luận văn thạc sĩ, rồi tiến sĩ, phó giáo sư rồi đến giáo sư. Một hội nghề nghiệp nào đó không có chức năng để làm điều này.
Tôi nghĩ nên kiểm tra lại thông tin này, có hình thức xử lý nếu đúng là hội nghề nghiệp phong danh hiệu “giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn.
Ca sĩ Ngọc Sơn không phải là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh hoạt động chủ yếu ở phía Nam. Tôi biết anh cũng có giọng hát, có lượng công chúng nhất định, hát được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, nhưng tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với Ngọc Sơn, anh hoạt động tự do. Tôi không nắm được hết vấn đề. Nhưng gọi Ngọc Sơn là giáo sư âm nhạc sẽ ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính. Tất nhiên chuyện phong thế này cũng sẽ gây ra phản ứng xã hội.
Tôi nghĩ tất cả những chức danh đều cần có tiêu chuẩn, chứ không được tự phong. Chúng ta yêu quý nhau, nhưng không thể tự phong cho nhau.
Nhà nghiên cứu văn hoá Trần Hữu Sơn: Cần có một văn bản quy định về phong tặng các danh hiệu
Tôi thấy đây là một câu chuyện bình thường và câu chuyện bất bình thường. Khi chuyển đổi cơ chế thị trường thì cứ cái gì có thể kiếm được tiền là người ta làm. Nhưng bất bình thường ở chỗ là khi các đơn vị, tổ chức… có hành động như thế các cơ quan quản lý nhà nước vẫn để cho họ làm. Vì vậy, nếu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao Bằng khen mà có chức danh GS là không đúng
Nghị định phong hàm Giáo sư của Nhà nước rất rõ ràng và cụ thể. Có bao nhiêu bài viết, đăng tạp chí quốc tế, giải thưởng ra sao, bao nhiêu năm giảng dạy, ít nhất phải hàng chục năm giảng dạy và các công trình 5 năm gần đây, xuất sắc về một lĩnh vực nào, trình bày trước Hội đồng. Đằng này ông chẳng có thành tích, công trình nghiên cứu hoặc tài năng gì cả, cứ nộp mấy chục triệu đồng là được phong danh hiệu này, danh hiệu nọ. Việc này dễ dàng và đơn giản quá.
Và tôi nghĩ, ca sĩ Ngọc Sơn cũng xấu hổ quá nếu treo cái bằng khen của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu mới trao cho. Vô cùng xấu hổ vì không phải cái mình đáng được nhận.
Bản thân Hội Nghệ nhân và Thương hiệu làm việc làm đó là vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật. Đạo đức là ông lệch chuẩn, ông dám “đánh lận con đen”. Cái đáng bàn là tại sao để cho ông ấy làm. Bộ Công thương là Bộ chủ quản phải xử lý nghiêm khắc việc này. Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cũng có thể xử lý. Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng có quyền xử lý. Tại sao ông phỉ báng cái chức danh Giáo sư như thế?
Thanh tra phải mời lãnh đạo của Hội này lên làm việc và bắt phải kiểm điểm. Còn nếu không kiểm điểm được thì cả Bộ Công thương cũng phải chịu trách nhiệm.
Thực trạng ở việc tự phong danh hiệu đang diễn ra tùy tiện ở nhiều địa phương hiện nay cũng là một cách làm tiền. Tôi xin kể cho mọi người nghe một câu chuyện, ví dụ năm 2000, một loạt nhà khoa học nhận được thư của tổ chức A bảo rằng, chúng tôi nhận thấy ông có công trình khoa học xuất sắc nên chúng tôi xếp ông vào số 2000 nhà khoa học xuất sắc của năm 2000. Vậy ông nộp cho chúng tôi số tiền ngần này… để làm thủ tục. Một loạt các nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam mắc lỡm vụ này. Bản thân tôi, khi tôi làm Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai, một năm tôi nhận được 5 – 7 cái giấy mời đại ý là: ông đã được bình chọn là nhà khoa học – quản lý xuất sắc mời ông đến nhận giải thưởng tại chỗ A – B nhưng ông phải nộp cho chúng tôi 20 triệu. Đấy là làm tiền chứ cái gì nữa. Cái xu hướng là tiền này đang xảy ra rất phổ biến. Chúng ta muốn “triệt” được sự loạn phong tặng này phải xử lý thật nghiêm.
Cần có một văn bản quy định về phong tặng các danh hiệu này. Ai đáng được phong tặng, phong tặng đến mức độ nào… nếu không sẽ loạn danh hiệu. Bộ Nội vụ và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phải đứng ra làm văn bản này./.