(Tổ Quốc) - Ngày 6/5, Sở Y tế sẽ có báo cáo xem giữa kết quả nhiễm trùng E.Coli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn không.
Liên quan đến vụ ngộ độc sau ăn bánh mì tại TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), hiện tại vẫn chưa có số liệu cuối cùng về số người nhập viện nghi do ngộ độc. Tính đến ngày 4/5, số ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh là 555 trường hợp. Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 5 ca là bệnh nhi bị nặng, trong đó có 3 ca đã tương đối ổn định. Cũng theo thông tin được chia sẻ, kết quả xét nghiệm mẫu máu 3 bệnh nhi bị nặng cho thấy các em này bị nhiễm trùng E.Coli. Dự kiến ngày 5/5 sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và ngày 6/5, Sở Y tế sẽ có báo cáo xem giữa kết quả nhiễm trùng E.Coli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn không.
Cái tên vi khuẩn E.Coli không còn xa lạ với người dân, tuy nhiên, chưa phải tất cả mọi người đều hiểu đúng về nó và có ý thức cũng như biết cách phòng ngừa bệnh.
Thực tế vi khuẩn E.Coli đã gây nhiều vụ ngộ độc trên thế giới, thậm chí được coi là bùng phát như ở châu Âu năm 2011. Vào mùa hè năm 2011, nước Đức đã trải qua một trong những đợt bùng phát lớn nhất về bệnh nhiễm trùng do thực phẩm gây ra bởi vi khuẩn Escherichia coli gây xuất huyết đường ruột (EHEC) với kiểu huyết thanh O104:H4.
Vi khuẩn E.Coli là gì?
E.Coli là viết tắt của thuật ngữ Escherichia Coli dùng để chỉ một nhóm vi khuẩn (bacteria) sống trong đường tiêu hóa (ruột) của con người và động vật.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, E.Coli bao gồm một nhóm vi khuẩn đa dạng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù, hầu hết các chủng E.Coli đều vô hại (đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người chủ quan) nhưng một số chủng có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Khi vi khuẩn E.Coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh cho con người
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), vi khuẩn E.Coli có trong tự nhiên. Trong quá trình sinh hoạt, loại vi khuẩn này sinh sôi nảy nở có thể nhiễm vào thức ăn, qua đường ruột ra ngoài tự nhiên, hoặc từ động vật. Mặc dù đây không phải là loại bệnh truyền nhiễm nhưng khi vi khuẩn E.Coli nhiễm vào nguồn nước hoặc thức ăn có thể dẫn đến hàng loạt bệnh (những ai dùng nguồn nước này đều dễ bị bệnh).
Đa số người bị nhiễm E.Coli thời gian đầu không có triệu chứng mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh của loại vi khuẩn này là khoảng 3-4 ngày, sau đó một loạt các triệu chứng đường ruột xuất hiện. Các triệu chứng có thể là tiêu chảy nhẹ, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy ngắt quãng không kèm theo sốt.
Trong một số ít trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi và người già, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và có thể phát triển hội chứng tăng urê máu có tán huyết gây suy thận, xuất huyết và các vấn đề thần kinh khác. Tỷ lệ tử vong là khoảng 3-5% ở những trường hợp này.
Đa số bệnh nhân khi bị vi khuẩn E.Coli tấn công sẽ bị tiêu chảy, đau bụng, trong nhiều trường hợp có máu lẫn trong phân. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng, cơ thể rơi vào tình trạng uể oải, mệt mỏi…
Những nguyên nhân gây ra trình trạng nhiễm vi khuẩn E. Coli
Có rất nhiều nguyên gây ra các tình trạng nhiễm E. Coli như:
- Nguồn thực phẩm bị ô nhiễm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Thực phẩm có thể bị ô nhiễm do quá trình sơ chế hoặc bảo quản không đúng cách như: Không rửa tay hoặc rửa tay không sạch trước khi nấu hoặc trước khi ăn; Sử dụng bát đĩa hoặc dụng cụ làm bếp bẩn, thức ăn bị hư hỏng do quá trình bảo quản không đúng cách (nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp); Ăn phải thức ăn chưa được nấu chín hoặc thực phẩm nhiễm bệnh; Uống sữa chưa được tiệt trùng...
- Nguồn nước bị ô nhiễm: Uống phải nước bị ô nhiễm hoặc bơi trong hồ nước bị ô nhiễm.
- Lây từ người sang người: Các vi khuẩn E. Coli rất dễ lây lan sang người khác khi rửa tay không kỹ sau khi vệ sinh hoặc chạm vào người khác hay dùng chung các vật dụng với người bị nhiễm bệnh.
- Lây từ động vật: Những người tiếp xúc với động vật, đặc biệt là bò, dê, cừu cũng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn sống ở động vật.
Ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn E. Coli bằng cách nào?
- Sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ nên ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, không nên ăn nhiều đồ sống, đồ chín tái.
- Thức ăn sau khi nấu xong phải tránh nhiễm khuẩn từ môi trường. Bảo quản các thức ăn đã nấu chín cẩn thận và đúng cách.
- Làm sạch bề mặt các dụng cụ chế biến thức ăn; Dùng riêng thớt, bát, đĩa cho thực phẩm sống - chín.
- Rửa sạch tay và các dụng cụ trước khi tiến hành chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bàn tay bị các vết thương hở hay bị nhiễm trùng, hãy bằng kỹ và kín vết thương đó trước khi chế biến thức ăn.
- Sử dụng các nguồn nước sạch an toàn trong quá trình sinh hoạt. Tốt nhất nên sử dụng nước đã được đun sôi trước khi uống.
- Giữ gìn vệ sinh nguồn nước, tránh ô nhiễm phân người và phân động vật; Sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh...