(Tổ Quốc) -Thứ trưởng Bộ Giao thông, vận tải Nguyễn Nhật cho biết như vậy tại họp báo Chính phủ thường kỳ tối 2/6.
Một nhóm phi công thuộc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam- Vietnam Airlines (VNA) vừa gửi kiến nghị đến Chính phủ về các nội dung của Thông tư 41 và Thông tư 21.
Trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong Thông tư 41 và Thông tư 21 và cho rằng hai thông tư của Bộ Giao thông, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ Luật Lao động. Ngoài ra quy định phi công thôi việc phải báo trước 120 ngày là không phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động…
Thứ trưởng Bộ Giao thông, vận tải Nguyễn Nhật. Ảnh: Thái Linh |
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, Luật Hàng không dân dụng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Giao thông, vận tải quy định về chế độ lao động đặc thù với nhân viên hàng không.
Hai thông tư trên được Bộ ban hành để điều chỉnh người lao động trong lĩnh vực hàng không; đây là lĩnh vực đặc biệt vì liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh hàng không...
Theo quy định của các văn bản trên thì nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng 180 ngày.
Còn quy định tại Luật Lao động thì nêu, người lao động ký hợp đồng không thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày.
Như vậy Luật Lao động chỉ quy định mức độ tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa.
Mặt khác, tại khoản 2, điều 31, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định trường hợp có sự khác nhau giữa luật này với luật khác cùng nội dung liên quan đến hàng không thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
“Nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước được ưu tiên sử dụng các quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, vì sự an toàn của ngành hàng không”- Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết./.
Thái Linh