• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ Việt Á cho thấy một số nhóm đối tượng "chưa biết sợ"

Thời sự 30/06/2022 17:19

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng thực tiễn 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mặc dù rất đồng bộ, quyết liệt; tuy nhiên một số trường hợp chưa biết sợ.

Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị.

Phòng, chống tham nhũng rất đồng bộ, quyết liệt nhưng một số trường hợp "chưa biết sợ"

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, lực lượng CAND cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống mà tiếp tục có những bước tiến mới.

Thứ trưởng Bộ Công an: Vụ Việt Á cho thấy một số nhóm đối tượng "chưa biết sợ"   - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày tham luận tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN

Trong đó, nổi bật là đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người". Điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng các chính sách phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi... Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ. Điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, từ thực tiễn công tác phòng ngừa, phát hiện, khởi tố, điều tra án tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho hay, mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều đối tượng "chưa biết sợ".

"Từ tháng 4/2020, khi mới bắt đầu đại dịch COVID-19, chúng ta đã xử lý vụ CDC Hà Nội về lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch và xử lý để cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua, chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Đây là việc chúng tôi thấy, "chưa biết sợ" của một số nhóm đối tượng", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, mất đi cán bộ.

Trong phòng, chống tham nhũng, khi đã nhận diện ra những nhóm luật pháp đang có sơ hở, tồn tại, cần tổ chức sơ kết, rà soát để chỉ ra nhóm pháp luật nào có yếu kém để người dân nhận diện và biết để tránh.

Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, đối với Đề án 6 về phát triển dữ liệu dân cư để phục vụ xác thực định danh và chuyển đổi số tới năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong giai đoạn vừa qua, một số ứng dụng bước đầu đối với những dịch vụ công trực tuyến đã được đưa ra như nộp hồ sơ thi online tại nhà, làm hộ chiếu online, đăng ký xe máy cấp xã… Điều này giúp hạn chế tối đa việc người dân đi lại, người dân phải dùng nhiều giấy tờ. Đặc biệt, người dân ít phải tiếp xúc với người thực hiện công việc đó, sẽ hạn chế tối đa tham nhũng vặt.

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Huy động sức mạnh của nhân dân tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tham luận tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, qua tiếp cận từ góc nhìn của nhân dân, kết quả to lớn đạt được trong 10 năm qua không chỉ dừng lại ở những con số hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng ngàn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng ngàn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng triệu m2 đất được thu hồi về cho Nhà nước.

Vụ Việt Á cho thấy một số nhóm đối tượng "chưa biết sợ"   - Ảnh 2.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tham luận - Ảnh: Nhật Bắc

Những kết quả này có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành được nâng lên rõ rệt.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, với trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nỗ lực cao nhất, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của MTTQ Việt Nam. Huy động sức mạnh của nhân dân tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở đó, tập trung hoàn thành Đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt, trong đó có một Ban chuyên trách theo dõi công tác giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được kết quả rất quan trọng. Thật sự "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào, thể hiện ý chí cách mạng tiến công, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta.

Ý Đảng hòa quyện với lòng dân, đã trở thành phong trào cách mạng, xu thế tất yếu như nhiều vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ, "lò đã nóng, củi đã cháy", không ai có thể nói khác, làm khác được".

Theo ông Đỗ Văn Chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ nỗ lực hơn nữa, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, quan liêu, lãng phí; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp", ông Đỗ Văn Chiến nói.

Vụ Việt Á cho thấy một số nhóm đối tượng "chưa biết sợ"   - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết XIII của Đảng, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên vào nền nếp, thường xuyên, thực chất, gắn với tiếp tục việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ, xem đây là cam kết chính trị đối với Đảng và nhân dân, là vinh dự của người cán bộ.

"Chúng tôi thể hiện quan điểm dứt khoát rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải định vị lại bản thân một cách đầy đủ nhất về con đường mình đã chọn, từ đó tự quản bản thân theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Phan Văn Mãi, lãnh đạo người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan nội chính phải giám sát, đôn đốc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị mình, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính trong công tác phòng, chống tham nhũng kinh tế, chức vụ, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm...

Ngoài ra, triển khai có hiệu quả tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự nhằm khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét với công tác giám định, định giá tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc. Phát huy hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác này thời gian tới, từ đó phát hiện, xử lý những kẽ hở, bất cập hiện nay./.


Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ