• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ Vinasun kiện Grab đòi 41,2 tỷ đồng: Toà buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng, tài xế Vinasun hát “náo loạn”

Pháp luật 28/12/2018 16:30

(Tổ Quốc) - Theo HĐXX, Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh vận tải loại hình này. Do đó chỉ chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng.

Công ty giám định thiệt hại của Vinasun do Grab gây ra là không có cơ sở

Ngày 28/12, TAND TP. HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Vụ Vinasun kiện Grab đòi 41,2 tỷ đồng: Toà buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng, tài xế Vinasun hát “náo loạn” - Ảnh 1.

Đại diện Công ty TNHH Grab (Grab)

Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng, đơn vị giám định thiệt hại trong vụ kiện là Công ty Cửu Long đã được triệu tập nhiều lần, nhưng không đến là không làm hết trách nhiệm.

Theo VKS, Công ty Cửu Long giám định nêu giảm sút lợi nhuận của Vinasun do Grab gây ra là không có cơ sở vì bản giám định không phản ánh đúng các yếu tố xác định lợi nhuận của Vinasun.

Vụ Vinasun kiện Grab đòi 41,2 tỷ đồng: Toà buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng, tài xế Vinasun hát “náo loạn” - Ảnh 2.

Đại diện nguyên đơn Vinasun

Đối với nguyên đơn Vinasun, VKS nhận định đơn vị này đã không chứng minh được sự giảm sút về lợi nhuận do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra vì lợi nhuận doanh nghiệp do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động, trong đó có yếu tố hoạt động của hội đồng quản trị, điều hành, chất lượng dịch vụ.

Về việc Vinasun cho rằng cổ phiếu giảm 149 tỷ đồng là căn cứ để chứng minh thiệt hại về lợi nhuận thì VKS cho rằng là chưa phù hợp. Bởi vì, lợi nhuận có ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu của Vinasun, trong đó lợi nhuận sau thuế là yếu tố quan trọng nhất, nhưng giá cổ phiếu lại không ảnh hưởng ngược lại tới lợi nhuận. Hơn nữa giá cổ phiếu giảm là gây thiệt hại cho cổ đông hay nhà đầu tư chứng khoán.

Vụ Vinasun kiện Grab đòi 41,2 tỷ đồng: Toà buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng, tài xế Vinasun hát “náo loạn” - Ảnh 3.

Tài xế Vinasun tập trung trước trụ sở VKS giăng biểu ngữ

Đối với bị đơn Grab, VKS cho rằng không tuân thủ pháp luật như không có tên của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài, hai bên thân xe và cánh cửa, không niêm yết vị trí lái xe theo mẫu quy định. Đồng thời nhiều xe không có phù hiệu, vi phạm Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 được sửa đổi bởi Thông tư 60 của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, VKS cũng cho hay Grab đã không thực hiện đúng Đề án 24 và tại tòa luật sư của bị đơn đã thừa nhận sai phạm này.

Toà khẳng định Grab là kinh doanh vận tải, buộc bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng

Về phía HĐXX, vị thẩm phán dẫn định một vụ kiện Uber ở Châu Âu, khẳng định hoạt động của Grab là hoạt động kinh doanh vận tải chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh phần mềm gọi xe.

Theo HĐXX, Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng điểm cho tài xế. Grab cho rằng tài xế thuộc Hợp tác xã quản lý nhưng thừa nhận có xử phạt tài xế. Như vậy, điều này trái với Đề án 24 của chính phủ.

Nhiều tài xế tập trung trước khu vực TAND theo dõi vụ việc

Ngoài ra, việc tài xế khi đăng ký và hoàn toàn làm việc với Grab chứ không có đơn vị vận tải nào khác.

HĐXX cho rằng theo quy định thì tài xế phải có bảo hiểm và đáp ứng các yêu cầu đảm bảo. Khi khách hàng gọi xe thì khách hàng chi trả vào tài khoản của Grab, điều này cho thấy chi phí này thuộc về phần mềm dịch vụ của Grab chứ không phải đơn vị kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, HĐXX cũng nhận định Grab chủ động điều chỉnh mức chiết khấu. Giao dịch của Grab không phải là hợp đồng điện tử vì không có điều khoản cơ bản, quyền nghĩa vụ của hai bên, chữ ký của các chủ thể, không có phương thức giải quyết tranh chấp.

Vụ Vinasun kiện Grab đòi 41,2 tỷ đồng: Toà buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng, tài xế Vinasun hát “náo loạn” - Ảnh 5.

Do tài xế tập trung quá đông khiến giao thông qua khu vực trụ sở Tòa án và VKS ND TP. HCM bị ách tắc.

Từ những quan điểm đưa ra, HĐXX nhận định hoạt động Grab đã và đang thực hiện là hoạt động kinh doanh vận tải taxi, chứ không phải là cung ứng phần mềm.

Sau khi nghị án, HĐXX khẳng định lại lần nữa rằng Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh vận tải loại hình này.

Do đó HĐXX chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng.

Trước khi kết thúc phiên toà, HĐXX cũng cho biết sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan và các cơ quan có thẩm quyền xem xét Grab là loại hình dịch vụ kinh doanh vận tải để quản lý đúng theo quy định pháp luật .

Tuy nhiên trong quá trình phiên toà diễn ra, hàng trăm tài xế Vinasun tập trung bên ngoài sân toà để giơ biểu ngữ phản đối Grab. Đồng thời hát lớn để gây áp lực cho cơ quan có thẩm quyền, gây "náo loạn" cả chốn công đường. Không những thế, do tài xế tập trung quá đông khiến giao thông qua khu vực trụ sở Tòa án và VKS ND TP. HCM bị ách tắc.

Tứ Qúy

NỔI BẬT TRANG CHỦ