• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn

25/03/2013 11:18

(Toquoc)- Ở Quốc âm thi tập, Ức Trai chỉ có thể đóng vai một nghệ sĩ. Qua Quốc âm thi tập ta mới thực hiểu Nguyễn Trãi.



 

(Toquoc)- Nếu như trong Bình Ngô đại cáo và các sáng tác bằng chữ Hán nói chung, Nguyễn Trãi “đóng vai một bầy tôi”, đôi khi phải đặt mình một cách giả định vào vai trò thủ lĩnh, thác lời vua chúa mà phát ngôn với nghi thức trang trọng, chặt chẽ, đậm tính quan phương thì ở Quốc âm thi tập, Ức Trai chỉ có thể đóng vai một nghệ sĩ. Qua Quốc âm thi tập ta mới thực hiểu Nguyễn Trãi. Trong Quốc âm thi tập có 61 bài thơ mang nhan đề “Bảo kính cảnh giới”. Cảnh ngày hè là bài số 43. Nét đặc sắc của thi đề này ở chỗ: Tính triết lí, giáo huấn nhường chỗ cho việc tỏ chí, tỏ đức của kẻ tư văn. Bốn chữ “Bảo kính cảnh giới” thể hiện rõ khuynh hướng tư tưởng, giúp ta hiểu thêm về quan niệm nhân sinh của Nguyễn Trãi, đồng thời cho biết một mô típ có tính nguyên tắc trong tư duy nghệ thuật: Sự đánh giá thẩm mỹ bao giờ cũng gắn liền với phương diện đạo đức.

Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hoè lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tịn mùi hương

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi lầu cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương

Câu thơ kết đồng thời là tứ thơ. Mô hình nhân sinh “Vua Nghiêu Thuấn- dân Nghiêu Thuấn” vừa là giả định vừa là khát khao cháy bỏng suốt đời của Nguyễn Trãi. Nhìn bề ngoài bức tranh thiên nhiên mùa hè giàu sức sống, cảnh quê giản dị trang nhã, sinh hoạt làng xóm nhộn nhịp không có mối liên hệ gì với tứ thơ ấy, xét kĩ thì đều thuộc về biểu hiện cụ thể của xã hội lí tưởng. Bài thơ cấu tứ theo lối giả định, bộc lộ rõ tư tưởng nhân văn cao đẹp của một bậc anh hùng.

Rồi hóng mát thuở ngày trường

“Rồi” là từ chỉ khoảng thời gian tự do, không phải làm việc gì. “Rồi” xét rộng ra là nhàn - thân nhàn và tâm nhàn. Cụm từ thuở ngày trường tiếp đó cho biết thêm cái khoảng thời gian ấy như được kéo dài không có giới hạn. Có lẽ phải thật rảnh rỗi, tâm hồn nhà thơ mới rộng mở để thâu nhận cảnh vật. Nhưng “rồi” ở đây có thể chỉ là giả định: khi rảnh rỗi thì hóng mát, lui về chốn quê bình dị ngắm cảnh thiên nhiên, không bị vướng vào chính sự. Nguyễn Trãi lấy cảnh ngày hè để hình dung về thế giới, về xã hội mà mình mong ước. Cảnh ngày hè được nhìn từ góc độ đạo đức chính trị. Cụm từ “Rồi hóng mát” thể hiện một quan niệm sống, một phong cách sống đẹp đẽ. Câu thơ đầu thấp thoáng bóng dáng nhà thơ thong dong thanh thản ngắm cảnh. Nguyễn Trãi luôn khao khát được đem tài năng của mình giúp vua trị nước an dân.

Nguyễn Trãi miêu tả tập trung bức tranh thiên nhiên cuối mùa hè và tả điểm xuyết bức tranh cuộc sống giản dị đầm ấm.

Trước mắt tác giả bức tranh phong cảnh ngày hè hiện ra với vẻ tươi tắn sinh động, giàu sức sống. Câu thơ thứ hai tả màu xanh của cây hoè, câu ba tả màu đỏ của hoa lựu, câu bốn điểm xuyết một ao sen thanh quí.

Hoè lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tịn mùi hương

Tất cả màu sắc ở đây đang vận động biến hoá. Màu xanh tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ trải ra bao trùm tầm mắt tạo thành cái nền của bức tranh. Sự xuất hiện của màu đỏ làm phong cảnh thêm rực rỡ, có chiều sâu hơn và sắc hồng làm cho bức tranh quê mà không tục. Nừu câu thứ hai khiến cho bức tranh có chiều cao, thì chiều rộng được gợi lên trong những câu thơ tiếp. Tóm lại câu đầu là lời kể, bộc lộ quan niệm nhân sinh của Nguyễn Trãi, ba câu tiếp tả nhưng giàu sức gợi, nói cho đúng thì tác giả tạc cảnh và truyền sức sống cho cảnh cuối hè, xoá đi vẻ tiêu điều, ảm đạm lúc mặt trời đã xế bóng.

Bức tranh cuộc sống hiện ra khá chân thực trong tiếng ve kêu râm ran vang xa, và tiếng lao xao của chợ cá thôn quê. Âm thanh của tiếng ve đặc trưng cho mùa hè, âm thanh của chợ quê nói lên sự gần gũi và đồng cảm của Nguyễn Trãi trước cảnh lao động vất vả nhọc nhằn. Nguyễn Trãi thiết tha yêu đời, nhạy cảm tinh tế đắm say trước thiên nhiên, cuộc sống .

Tác giả tả cảnh từ gần đến xa, làm cho bức tranh thiên nhiên, cuộc sống dù được tả ít nhưng có sức khái quát lớn. Khi miêu tả bức tranh phong cảnh, Nguyễn Trãi sử dụng nhiều động từ: “đùn đùn” gợi ra sức vươn lên mạnh mẽ của cây hoè, từ “trương” vẽ hình dáng cành lá toả rộng, um tùm đầy sức lực; từ “phun” thiên về tả sức sống… còn lúc miêu tả bức tranh cuộc sống, Nguyễn Trãi lại chủ yếu sử dụng tính từ. Cả động từ và tính từ đều tập trung làm sáng tỏ trạng thái tinh thần của cảnh mùa hè. Đặt trong hệ thống tranh mùa hè, Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi, mới lạ độc đáo về hình ảnh; phong phú về đường nét, dáng vẻ; sinh động về âm thanh, đặc sắc trong cách đặt câu dùng từ; tinh tế trong cách thi nhân đón nhận, cảm nhận cảnh vật.

Theo thần thoại Trung Quốc, vua Thuấn làm chiếc đàn 5 dây, ca bài “Nam phong”. Trong khúc hát Nam phong có câu “gió Nam hoà ấm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải”. Nguyễn Trãi ước có chiếc đàn của vua Thuấn để biến tâm nguyện lớn nhất của mình thành sự thật. Thi nhân ôm hoài bão giúp dân xây dựng đời sống thái bình, no ấm, hạnh phúc. Nguyễn Trãi mô hình hoá xã hội theo ý thức hệ của giai cấp thống trị. Gảy khúc Nam phong xứng đáng là khuôn mẫu hành xử đối với nhà nho hành đạo. Đó là chủ trương nhập thế, chủ trương nhân trị, đức trị chứ không phải thái độ ẩn dật “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ”. Nguyện vọng hóng mát thuở ngày trường của Nguyễn Trãi cũng chính là nguyện vọng của Phu Tử. Trong Luận ngữ, còn ghi lại cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và các cao đồ của mình như sau: Khổng Tử nói: “Các ngươi ngại rằng ta lớn tuổi hơn, ta lại không câu nệ điều đó. Lúc ở một chỗ, người ta thường phàn nàn rằng “không ai biết ta”, vậy nếu thiên hạ biết đến, thì các người làm gì nào”. Tăng Điểm bèn nói: vào độ cuối xuân sẽ “cùng các chàng trai trẻ năm sáu người, thiếu niên sáu bảy cậu, tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đền Vu Vũ, vừa hát ca vừa quay về”. Phu Tử than rằng: “Ta cũng muốn như Điểm vậy”. Nho sĩ nói tới việc hóng mát hát ca đồng nghĩa với công thành danh toại. “Hóng mát” xét rộng ra trở về với thiên nhiên, tiêu dao đàn hát là một cách xử thế tiêu biểu được nêu trong giáo lí Khổng Mạnh. Trương Lương khi giúp Lưu Bang lập nghiệp lớn xong thực thi ngay châm ngôn “công thành thân thoái”. Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn rửa nhục Cối Kê cũng liền trả ấn tướng quốc ngao du sơn thuỷ. Khi Nguyễn Trãi nói “Rỗi hóng mát thuở ngày trường” tức là ông mơ ước có ngày xã hội no ấm. Ở chỗ khác Nguyễn Trãi khẳng định “công danh đã được hợp về nhàn” (Thuật hứng 24). Dĩ nhiên, nhà nho chỉ về nhàn khi đã hoàn thành xuất sắc chức năng bổn phận của một thần tử: xây đắp và giữ gìn được cảnh thái bình thịnh trị cho chế độ chuyên chế. Có thế nói: Xã hội trong Bảo kính cảnh giới số 43 là xã hội luân thường. Con người trong Bảo kính cảnh giới là con người chức năng.

Tư tưởng thân dân và khát vọng cao quí “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn” chính là “gương báu răn mình” của Nguyễn Trãi. Có thể xem Bảo kính cảnh giới như một tuyên ngôn chí hướng, lí tưởng, lẽ sống.

Quang Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ